An Trú Trong Giây Phút Hiện Tại

logo
Sự kiện tiêu biểu

Tin mới

Showing posts with label Song-thien. Show all posts
Showing posts with label Song-thien. Show all posts
Quyển Ngắm Nhìn Tĩnh Tại gồm những bài viết chia sẻ về kinh nghiệm thiền tập. Sách được chia ra làm 4 phần: Buông xả, Có mặt, Tỉnh giác  Hiểu thương, mỗi như một bước chân nhỏ trên con đường trở về nhà.
1.  Buông xả. Đây là bước đầu của sự trở vềBuông xả ở đây là buông xả cái tâm mong cầu, nắm bắt vào một hạnh phúc hoặc ôm giữ một khổ đau nào đó của mình. Buông xả không có nghĩa là buông lung hoặc cố gắng làm một điều gì đó đặc biệt, mà là một thái độ của tâm biết quay về trọn vẹn trong sáng với những gì đang có mặt. Và cứ để chúng đến đi tự nhiên như mây bay trên đầu núi.
Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay
(Viên Minh)
2.   Có mặt. Khi ta buông xả những kỳ vọng của mình, tự nhiên ta sẽ có mặt với bây giờ và ở đây một cách trọn vẹn, thấy được những gì xảy ra như nó đang là. Sự có mặt trọn vẹn này không phải do một sự nổ lực hay cố gắng nào, mà chỉ là cảm nhận những gì đang xảy ra một cách tự nhiên, không cố gắng, không mong cầu gì khác. Và trong giây phút này có thể đó là một sự an vui, một niềm hạnh phúc, và cũng có thể đó là những lo âu hay phiền muộn. Nhưng nếu như ta biết sống hoàn toàn với thực tại ấy, như nó đang là, thì đó cũng vẫn là một sự hoàn hảo tự nhiên.
Trăng vô sự,
Chiếu soi người vô sự.
Nước làn thu,
Chứa cả một trời thu
(Trần Thánh Tông)
3.   Tỉnh giác. Và khi ta có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, ta sẽ tỉnh giác thấy rõ được mọi việcđang xảy ra theo sự vận hành, đến đi tự nhiên của nó. Tuệ giác này không phải do một sự tìm kiếm nào của ta mà do sự buông xả và có mặt của mình. Vấn đề không phải là sửa đổi hay chấp nhận những gì xảy ra, mà là thấy rõ. Đôi khi những khổ đau, những khó khăn, sóng gió trong cuộc sống cũng là cần thiết, chúng giúp ta buông bỏ đi những nổ lực, cố gắng của bản ngã để thấy lại được sự trong sáng sẵn có ngay trong ta,

Cánh đồng trời
Nếu không có gió
Thổi tan mây mù
Thì trăng đâu thể
Vượt triền núi cao
(Kikigakishu)
4.   Hiểu thương.  Bao dung và từ ái phát xuất từ một sự hiểu và thương. Và thái độ từ ái ấy không phải chỉ giới hạn trong thiền tập, mà còn là một phương cách sống của ta nữa. Hãy mở rộng và bao dunglắng nghe những gì đang xảy ra, với một tâm không thành kiến, không phán xét. Được như vậy thì dù trên tọa cụ hay đi giữa cuộc đời, trong hoàn cảnh nào ta cũng sẽ có thể lắng nghe được nhau, giúp làm vơi bớt đi những khổ đau không cần thiết.
Vì vậy, xin bạn hãy lặng thinh
chỉ cần lắng nghe thôi.
Và nếu như bạn có gì cần muốn nói
xin cho tôi một vài phút
tôi hứa,
đến phiên bạn
sẽ lắng nghe với trọn một tấm lòng
Tóm lạicon đường trở về của ta bắt đầu với một bước chân thong dongbuông xả tự nhiên. Sự buông xả sẽ mang ta trở về có mặt với bây giờ và ở đây. Và khi ta có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, như nó đang là, ta sẽ thấy rằng mọi việc đều đến và đi theo luật nhân quả tự nhiên của nó. Và tuệ giácấy sẽ làm phát sinh trong ta một tình thương lớn.
    Tuy sách có bốn phần nhưng bạn không cần phải đọc chúng theo một thứ tự nào hết, vì mỗi bài như một giọt sương buổi sáng, một tờ lá, một tia nắng, một hạt bụi, một áng mây chiều… đều là những hình ảnhkinh nghiệm khác nhau của cùng chung một thực tại. Tất cả cũng để chỉ nhắc nhở ta rằng, thật ra mình chẳng cần phải đi tìm kiếm một nơi nào xa xôi khác, mà cũng không cần phải trở về, vì quê nhà xưa nay cũng vẫn là đây.

Mời đọc "Ai cũng có thể Thương Yêu" trích trong quyển "Ngắm nhìn tĩnh tại"


Ai cũng có thể Thương Yêu

Tất cả chúng ta ai cũng có một khả năng thương yêu. Nó có sẵn trong mỗi người chúng ta. Nhưng đôi khi vì những che lấp của một cái thấy sai lầm, của thành kiến, của văn hóa, xả hội mà khả năng thương yêu ấy lại bị giới hạn đi rất nhiều. Chúng ta chỉ thương yêu những gì hợp và gần gũi với mình, những gì mang lại cho ta niềm vui, hạnh phúc. Còn đối với những cái khác, ta trở nên dững dưng hoặc loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của mình.
  Trong đạo Phật tâm từ, metta, là một năng lượng giúp ta mở rộng ra trước mọi kinh nghiệm của cuộc sống, nó mang lại cho ta một tuệ giác lớn để tiếp nhận cuộc sống này một cách trọn vẹn hơn. Xin chia sẻ với bạn kinh nghiệm dưới đây của ông Joseph Goldstein, về khả năng thương yêu có sẵn trong mỗi người chúng ta.
Một bài học về tâm từ
Khi mới bắt đầu tập quán tâm từ, metta, có một kinh nghiệm này đã giúp tôi thấy rõ được tâm thức mình, cũng như cách tôi liên hệ với những người chung quanh.
    Lúc ấy, tôi được hướng dẫn thực tập ban rải tình thương của mình đến một người dưng, a neutral person, mặc dù lúc đó tôi cũng không hiểu rõ "người dưng" là như thế nào. Thầy của tôi, ngài Anagarika Munindra, chỉ nói rằng, tôi hãy chọn một người nào đó ở gần đây, người mà tôi không thương cũng không ghét.
    Lúc ấy tôi đang sống ở Ấn độ, và trong tu viện nhỏ nơi tôi trú ngụ có một ông lão làm vườn. Tôi gặp ông ta mỗi ngày, nhưng thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ gì về ông. Ông chỉ là một người mà tôi gặp mỗi khi đi ngang qua. Và tôi giật mình khi ý thức được rằng, có biết bao nhiêu người như vậy chung quanh tôi, những người mà tôi hoàn toàn không thương cũng không ghét. Khám phá đó tự nó cũng là một sự giác ngộ cho tôi rồi.
    Và rồi trong nhiều tuần liên tiếp, đều đặn mỗi ngày, trong lúc ngồi thiền tôi bắt đầu quán tưởng về ông lão làm vườn, và niệm thầm những câu như "Mong cho ông được an vui, mong cho ông được khoẻ mạnh, mong cho ông không bị khổ đau." Sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy một sự ấm áp và thân thiện đối với ông lão, và mỗi khi tôi đi ngang ông con tim tôi mở rộng ra.
    Và đó cũng là một kinh nghiệm rất quan trọng trên con đường tu học của tôi. Tôi khám phá được rằng, cảm tình của tôi đối với một người nào đó đều hoàn toàntùy thuộc vào ở chính nơi mình, mà thật ra, nó không hề dính dáng gì đến người kia, đến thái độ của họ, hay hoàn cảnh chung quanh. Ông lão làm vườn trước sau vẫn vậy không thay đổi. Ông không hề đổi cách ông làm việc hay thái độ đối với tôi. Nhưng vì tôi có một cái nhìn mới, một thái độ mới, con tim tôi bắt đầu mở rộng ra với một sự cảm thông chân thành và quý mến.
    Và điều này cũng giúp tôi học được một bài học quan trọng về năng lượng của tâm từ. Vì tình thương này không hề tùy thuộc vào bất cứ một cá tính nào của người kia, nên nó sẽ không dễ biến đổi thành thù ghét, hờn giận hay là bực dọc, như là những loại tình thương còn điều kiện khác. Tình thương vô điều kiện này được phát xuất từ một con tim mở rộng.
Làm sao mở rộng con tim mình?
Chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được thứ tình thương này, nhưng có thể ta sợ hoặc nghĩ rằng nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của mình. Nhưng tâm từ, metta, không phải là những năng lực dành riêng cho các bậc như là Đạt Lai Lạt Ma, Mother Teresa, hoặc một hạng người cao xa nào đó. Chúng ta ai cũng có thể phát huy, và đều có khả năng thương yêu được hết.
    Làm sao ta có thể mở rộng con tim mình ra trước những khổ đau? 
    Có một sự thật rất đơn giản và sâu sắc là hạnh phúc chân thật không hề phát xuất từ sự gom góp, hoặc tích chứa cho nhiều những cảm giác vui thú. Bạn hãy thử nhìn lại cuộc đời mình đi! Những cảm giác dễ chịu, những sự kiện vui thích mà bạn đã kinh nghiệm, chúng có mang lại cho ta một hạnh phúc nào bền vững chăng? Chắc chắn là không, bởi vì tự chúng cũng không thể nào có mặt lâu dài được.
    Xả hội và văn hoá chúng ta lúc nào cũng cố tạo cho ta một niềm tin rằng hạnh phúc bắt nguồn từ những cảm giác vui thích của mình. Có lần tôi xem một trang quảng cáo thuốc lá, có hình của một đôi nam nữ rất đẹp đứng trong một khung cảnh như thiên đàng, với điếu thuốc trên tay. Bên dưới là dòng chữ "Không có gì ngăn trở được thú vui của tôi." Và đó không phải chỉ là lời quảng cáo cho thuốc lá mà thôi, thật ra nó có mặt khắp nơi trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Có được cái này và bạn sẽ có hạnh phúc, cảm nhận được cái kia thì bạn sẽ có một niềm vui.
    Một điều rất nguy hiểm là niềm tin này - hạnh phúc chỉ có thể phát xuất từ những cảm giác vui thích - sẽ khiến ta trở nên đóng kín với những gì mang lại cho ta sự khó chịu, bất an. Nhưng nếu ta đóng chặt con tim mình trước khổ đau, thì ta cũng tự lấp kín nguồn suối thương yêu của chính mình.
Biết tiếp nhận trọn vẹn tất cả
Tuệ giác của thiền tập sẽ giúp ta thấy rằng, hạnh phúc hoàn toàn không hề tùy thuộc vào những cảm giác dễ chịu. Nhưng nếu vậy thì hạnh phúc chân thật phát sinh từ đâu? Và đó cũng là một câu hỏi chính của thiền tập.
    Thiền tập là một nghệ thuật sống, một nghệ thuật tương quan với những gì có mặt trong ta và chung quanh ta. Mỗi khi ta có những cảm xúc như buồn hay vui, giận hờn hay thương yêu, sợ hãi hay can đảm… bao giờ cũng có rất nhiều cách khác nhau để ta quan hệ với chúng. Ta có bị vướng mắc không? Ta có nhận chúng là mình không? Tâm ta có rộng lớn đủ để tiếp nhận chúng không, hay đang bị chúng sai xử?
    Tâm ta cũng giống như một bầu trời rộng lớn, một không gian bao la. Mọi vật có thể khởi lên trong đó, nhưng không gian ấy vẫn không hề bị xao động. Với cái thấy trong sáng ấy, tâm ta có thể được như bầu trời, không hề bị lôi cuốn hay dính mắc vào một hiện tượng nào hết. Và với một tâm như vậy, chắc chắn ta sẽ ung dung được trong mọi hoàn cảnh, vì nó không hề bị thay đổi hay chi phối bởi những điều kiện chung quanh.
    Điều quan trọng ta cần nhớ là hãy thực tập tâm từ với một thái độ khéo léo. Có lúc ta cảm thấy thương yêu, và sẽ có lúc là không. Cũng có những lúc niềm đau nỗi khổ to lớn quá, ta cũng cần phải bước lui lại một chút, khép lại một chút, để mình không bị tràn ngập. Những lúc ấy, ta cần tạo cho mình một khoảng không gian để ta có thể lấy lại được sự quân bình và an ổn. Và với một năng lượng mới, ta lại có thể mở rộng con tim mình ra. Mỗi lần thực tập tâm từ là mỗi lần năng lượng thương yêu trong ta được lớn mạnh thêm.
Ý nghĩa của cuộc đời
Trong thiền tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày, vấn đề quan trọng không phải là ta có được một kinh nghiệm đặc biệt nào. Vấn đề quan trọng là ta tiếp nhận những gì xảy ra như thế nào! Nếu ta biết đối xử với chúng cho khôn khéo, cho dù bất cứ đó là gì, tâm ta sẽ mở rộng ra trước mọi kinh nghiệm của cuộc sống. Và tuệ giác ấy sẽ nuôi dưỡng và làm lớn mạnh tâm từ trong ta.
   Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "Chúng ta chỉ là những người khách ghé thăm hành tinh này.  Chúng ta ở đây nhiều lắm thì cũng chín mươi, hoặc trăm năm là cùng.  Trong thời gian ấy, ta hãy gắng làm gì cho hữu ích, mang lại những gì là tốt lành cho cuộc đời bằng chính cuộc sống của mình.  Hãy tạo cho mình có một sự an lạc, và chia sẻ niềm an lạc ấy đến với người chung quanh. Và khi ta đóng góp được hạnh phúc cho kẻ khác, ta sẽ thấy được mục đích của cuộc đời này, ý nghĩa của cuộc sống này."
    Điều ấy rất là đơn giản. Chúng ta chỉ ở đây trong một thời gian thật ngắn ngủi. Chúng ta có thể làm điều gì tốt lành với cuộc sống của mình không? Ta có thể tạo cho mình một niềm an lạc và san sẻ hạnh phúc ấy với người khác được chăng? Và khi ta đóng góp thêm cho hạnh phúc của kẻ khác ta sẽ thấy được mục đích và ý nghĩa của cuộc đời này. Công việc của ta thật ra chỉ là vậy thôi.
Trích trong "Ngắm nhìn tĩnh tại"
Chúng ta đang thực hành Thiền Minh Sát, trên nền tảng chánh niệm, có nghĩa là thiết lập chánh niệm vững chắc trên bốn nền tảng thân, thọ, tâm, pháp. Vậy khi thực hành, đặt căn bản trên chánh niệm, chúng ta quán sát sự vật tức là quán sát vật chất và tâm (ngũ uẩn). Chữ Pāḷi thường dùng để chỉ chánh niệm là Vipassanā hay Satipaṭṭhāna. Chữ Vipassanā có nghĩa hẹp hơn chữ Satipaṭṭhāna nhưng đôi khi chúng ta dùng hai chữ này cùng nghĩa. Ai cần phải hành Thiền Minh Sát? Thực hành Vipassanā hay thực hành Thiền Minh Sát là để thanh lọc bệnh của tâm có nghĩa là để thanh lọc tâm khỏi các phiền não. Bởi vì mọi người đều có phiền não, nên ai cũng cần hành Thiền Minh Sát.
Nhưng một khi chúng ta đã chế ngự hay loại trừ phiền não trong tâm rồi, tâm chúng ta hoàn toàn trong sạch, lúc đó chúng ta có cần hành Thiền Minh Sát nữa không? Nói rõ hơn, khi đã trở thành một vị A La Hán, chúng ta có cần chánh niệm, có cần hành Thiền Minh Sát nữa không? A La Hán được mô tả là một bậc thánh đã làm những gì cần phải làm (những gì cần phải làm ở đây là loại trừ phiền não trong tâm). Vị A La Hán đã làm xong nhiệm vụ này rồi. Nhưng Đức Phật nói rằng: “Một vị A La Hán cũng phải hành thiền chánh niệm”. Ngay khi bạn trở thành A La Hán bạn cũng còn cần phải hành Thiền Minh Sát. Trong một bài pháp giảng cho các đệ tử, Đức Phật dạy Chư Tăng phải khuyến khích các vị mới vào tu hành Thiền Minh Sát; Đức Phật dạy: “Đối với những vị Sư mới tu, cần phải được khuyến khích, thiết lập và vun bồi bốn nền tảng chánh niệm”. Như vậy, những vị Sư mới tu phải được khuyến khích hành thiền Tứ Niệm Xứ. Chúng ta phải nói với những vị Sư mới tu như vầy: “Hãy thực hành việc quán sát thân. Trú trong thân, quán sát thân với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của thân. Trú trong thọ, quán sát thọ với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của thọ. Trú trong tâm, quán sát tâm với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của tâm. Trú trong pháp, quán sát pháp với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của pháp” Ở đây Đức Phật nói với tăng chúng: "Phải khuyến khích các vị Sư mới tu thực hành Tứ Niệm Xứ. Khuyên họ phải nhiệt tâm, nỗ lực với sự tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt). Phải khuyến khích các vị Sư mới tu nỗ lực, kiên trì, hết sức tinh tấn để thấy rõ bản chất của sự vật. Khuyến khích họ thực hành cho kỳ được những sát na chánh niệm. Trong một số trường hợp, hãy khuyến khích họ thực hành Thiền Định để đạt cận định, và các tầng định cao hơn, sau đó chuyển sang hành Thiền Minh Sát". Mục đích Đức Phật muốn nói ở đây là phải thấy rõ thực tướng của thân, thấy thân vô thường, sinh rồi diệt, chất chứa sự suy tàn, hoại diệt, đau khổ, bất toại nguyện, không có cốt lõi, không thể điều khiển, không thể kiểm soát được, chẳng có giá trị, chẳng đáng để ta tham luyến dính mắc vào. Thực hành chánh niệm là để hiểu rõ các đề mục thân, thọ, tâm, pháp, hay một cách đơn giản, là để hiểu rõ các đề mục đúng theo thực tướng của chúng. Khi hành Thiền Minh Sát, trước tiên, thiền sinh đạt sát na định. Thiền sinh tinh tấn theo dõi khắn khít đề mục trong từng khoảnh khắc, không để tâm hướng đi nơi khác. Dần dần thiền sinh đạt được nhiều sát na định hơn, sát na này liên tiếp sát na kia, và thiền sinh đạt được tạm thời định. Trong từng sát na một, tâm thiền sinh khắng khít trên đề mục không thối chuyển. Khi đạt được sát na định, thiền sinh bắt đầu thấy rõ đề mục vật chất và tâm. Tiếp theo đó, thiền sinh thấy rõ điều kiện và sự tương quan nhân quả của vật chất và tâm. Dần dần thiền sinh thấy rõ sự sinh diệt của vật chất và tâm v.v… Khi thiền sinh thấy được sự sinh diệt của đối tượng, thiền sinh sẽ thấy đối tượng vô thường, bất toại nguyện, và không có bản chất, không thể kiểm soát hay điều khiển được. Thấy rõ đối tượng là vô thường, bất toại nguyện và không có bản chất đó là thấy đối tượng đúng theo thực tướng của chúng. Những Phật Tử mới, những Nhà Sư mới, phải được khuyến khích hành thiền Tứ Niệm Xứ để thấy rõ sự vật đúng theo thực tướng của chúng. Nghĩa là thấy rõ sự vật là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã hay không có bản chất, không có cốt lõi, không thể kiểm soát hay điều khiển được. Đức Phật dạy ngay cả các vị Sư đã đạt được tầng mức tiến bộ cao cũng phải cố gắng để đạt đến tầng mức cuối cùng. Thầy Tỳ Khưu bất kỳ ở tầng mức giác ngộ nào cũng luôn luôn tinh cần, tỉnh giác (ý thức sáng suốt) và chánh niệm, để hết tâm vào việc quán sát thân, hiểu đề mục thân trọn vẹn, để hết tâm vào việc quán sát thọ, hiểu đề mục thọ trọn vẹn, để hết tâm vào việc quán sát tâm, hiểu đề mục tâm trọn vẹn, để hết tâm vào việc quán sát pháp, hiểu đề mục pháp trọn vẹn. Những vị đạt được ba tầng mức giác ngộ đầu tiên thì còn gọi là bậc hữu học (sekkha), bởi vì các vị này còn phải tu tập. Do đó các vị này cần phải tiếp tục hành thiền. Chỉ khi nào trở thành A La Hán mới không cần phải học nữa. Những vị chưa đạt đến A La Hán phải tiếp tục hành thiền để đạt đến sự hiểu biết trọn vẹn. Các Ngài tiếp tục nỗ lực để thấy rõ bản chất của sự vật. Và mục đích nỗ lực của các Ngài là để đạt được hiểu biết trọn vẹn. Chúng ta cần hiểu rõ thế nào là hiểu biết trọn vẹn? Hiểu biết trọn vẹn tiếng Pāḷi là Paññā. Hiểu biết trọn vẹn có ba mức độ: 
1. Hiểu biết những đặc tính riêng hay đặc thù của vật chất và tâm. Vật chất có đặc tính riêng là cứng mềm, kết hợp, nóng lạnh, chuyển động (đất, nước, lửa, gió), tâm có đặc tính riêng là hay biết. 
2. Hiểu biết những đặc tính chung hay hiểu biết đặc tính tổng quát của vật chất và tâm. Những đặc tính chung của vật chất và tâm là đặc tính nhân duyên hay điều kiện và đặc tính sinh diệt của sự vật. 
3. Loại trừ ý niệm sai lầm sau khi đã hoàn toàn hiểu biết các đặc tính chung. 
Mỗi khi chúng ta gặp chữ hiểu biết trọn vẹn hay trí tuệ (paññā) thì chúng ta phải hiểu rằng có ba mức độ hiểu biết
1. Hiểu biết những đặc tính riêng hay đặc tính đặc thù khi quán sát một sự vật: Khi tinh tấn hành thiền, chúng ta sẽ thấy đặt tính đặc thù của vật chất và tâm một cách rõ ràng. Thật vậy, khi hành thiền chúng ta cố gắng chánh niệm trên đối tượng, và khi sự tập trung tâm ý có đà, chúng ta sẽ thấy đối tượng một cách rõ ràng. Khi thấy đối tượng một cách rõ ràng, chúng ta sẽ thấy, sẽ biết đối tượng này là gì? Đối tượng có đặc tính như thế nào? Có dấu hiệu như thế nào? Chẳng hạn, khi bạn quán sát tâm mình, bạn thấy tâm mình hướng đến vật này hay vật kia. Thật sự thì tâm chẳng đi đâu cả, nhưng chúng ta thấy dường như tâm đi đến đối tượng, dường như tâm có khuynh hướng hướng về đối tượng đó. Hướng về đối tượng, chạy đến đối tượng, nắm lấy đối tượng, đó là đặc tính của tâm. Khi quán sát tâm, chúng ta sẽ thấy tâm của chúng ta luôn luôn hướng đến đối tượng, đi đến đối tượng, chụp lấy đối tượng. Biết được điều này có nghĩa là ta đã hiểu biết được đặc tính riêng của tâm. Đây là một đặc tính đặc biệt của tâm mà những đối tượng khác không có. Hiểu biết như vậy là chúng ta đạt được mức độ hiểu biết trọn vẹn, hiểu biết đúng đắn đối tượng, ở đây là hiểu biết tâm. Nếu bạn theo dõi sự đau, bạn sẽ thấy rằng đau là một kinh nghiệm về "cảm giác tiếp xúc" không tốt đẹp. Như vậy, đặc tính của sự đau là: kinh nghiệm về đối tượng cụ thể "không dễ chịu" hay "khó chịu". Nếu bạn theo dõi yếu tố gió thì bạn thấy yếu tố gió có đặc tính bành trướng, hỗ trợ hay nâng đỡ. Bành trướng, hỗ trợ hay nâng đỡ cho ta thấy đặc tính đặc thù hay đặc tính riêng của yếu tố gió, hay đặc tính riêng của vật chất. 
2. Hiểu biết đặc tính nhân quả hay điều kiện của sự vật và hiểu biết sự sinh diệt của sự vật: a. Sau khi thấy được đặc tính đặc thù của sự vật, tức là thấy đặc tính tứ đại của vật chất và đặc tính hay biết của tâm, đặc tính riêng của từng đại một, đặc tính riêng của thọ, tưởng, hành thức ta sẽ thấy sự vật khởi sinh bởi những điều kiện. Không có gì khởi sinh mà không tùy thuộc vào những điều kiện khác. Khi bạn nhìn một vật nào đó, bạn sẽ hiểu điều này. Bởi vì có vật gì đó để thấy thì mới có sự thấy. Không có vật thấy thì không có sự thấy. Bởi vì bạn có ý định duỗi tay nên bạn mới duỗi tay ra. Có ý định duỗi tay, nên tay ta mới duỗi, nếu không có ý định duỗi tay thì sẽ không có sự duỗi. Như vậy, duỗi tay phải có điều kiện, trước tiên là muốn duỗi tay. Sự duỗi tay không phải tự nhiên mà đến, cũng chẳng phải do thần thánh nào điều khiển, nhưng duỗi tay chịu điều kiện là tâm, tâm muốn duỗi. Nếu bạn thấy rằng bất cứ vật gì khởi sinh đều có một sự vật khác làm điều kiện thì bạn thấy được điều kiện của sự vật. b. Sau khi thấy điều kiện (hay Duyên) của sự vật, bạn sẽ thấy sự vật khởi sinh rồi hoại diệt. Dù cho đối tượng nào thiền sinh chú tâm đến đều thấy rằng chúng khởi sinh rồi biến mất ngay tức khắc. Thật ra, không có sự vật nào hiện hữu trong hai sát na liên tiếp nhau. Trong sát na sự vật khởi sinh, thì cũng chính trong sát na này, sự vật biến mất và chấm dứt. Thế vào chỗ đó có một sự vật khác khởi sinh, cứ như thế, đối tượng cũ biến mất và đối tượng mới thế chỗ. Khi quán sát đối tượng trong khoảnh khắc hiện tại, bạn cũng thấy đối tượng xuất hiện rồi biến mất. Khi quán sát tư tưởng của bạn, bạn sẽ thấy rằng một số tư tưởng xuất hiện rồi biến mất ngay tức khắc. Chẳng hạn như tiếng tích tắc của đồng hồ. Vừa tích tắc một cái là mất liền. Nếu quán sát một cách chăm chú, tinh tế, bạn sẽ thấy rõ sự vật vừa mới khởi sinh liền biến mất ngay. Khi bạn thấy sự vật khởi sinh liền biến mất ngay thì bạn thấy được vô thường. Bởi vì cái gì bị biến mất, bị hoại diệt thì cái đó gọi là vô thường. Nếu sự vật luôn luôn trường cửu thì chúng ta phải vĩnh viễn tồn tại, nhưng chẳng có cái gì tồn tại vĩnh viễn cả. Tất cả sự vật trên thế gian đều vô thường, và vô thường là đặc tính chung của tất cả mọi đối tượng mà bạn quán sát dầu cho đó là tư tưởng hoặc cảm giác của bạn, dầu cho đó là chuyển động phồng xẹp của bụng hay hơi thở ra vào; tất cả các hiện tượng này đều có đặc tính vô thường như nhau. Khi bạn thấy đặc tính vô thường của sự vật, bạn cũng thấy được bản chất đau khổ của chúng, đau khổ có nghĩa là luôn luôn bị áp chế, đàn áp bởi sự sinh diệt. Như vậy, mọi sự vật luôn luôn đến rồi đi, đến rồi đi. Bạn sẽ thấy điều này khi bạn quán sát đối tượng. Bất kỳ đối tượng gì bạn chú tâm đến, bạn đều thấy chúng bị áp chế, bị đàn áp bởi sự sinh diệt. Một khi thấy được bản chất vô thường và khổ của sự vật thì bạn sẽ thấy chúng vô ngã. Vô ngã có nghĩa là không thể điều khiển, kiểm soát được. Sự vật đến và đi một cách tự nhiên không kiểm soát được. Chúng là những hiện tượng diễn biến mãi mãi. Vì không có bản chất, không có cốt lõi nên chúng không phải là một thực thể trường cửu, không có linh hồn, không có tự ngã. Như vậy, chỉ cần chú tâm một cách khắn khít vào đề mục, bạn sẽ thấy ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của sự vật. Đây là ba đặc tính phổ thông của các pháp hữu vi hay các hiện tượng có điều kiện. Tất cả vật chất và tâm hay các hiện tượng có điều kiện đều có ba đặc tính:
• Vô thường. 
• Luôn luôn bị áp chế, bị đàn áp bởi sự sinh diệt. 
• Không có bản chất. Hiểu biết ba đặc tính này là bạn đã đạt được tầng mức hiểu biết trọn vẹn thứ hai (thấy được nhân quả của sự vật, thấy được vô thường, khổ, vô ngã). 
3. Loại trừ ý niệm sai lầm: Sau khi đã đạt được tầng mức thứ hai, thiền sinh sẽ đạt được hiểu biết tron vẹn thứ ba là loại trừ ý niệm sai lầm về sự vật. Trước đây, khi chưa thấy được ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của sự vật, thiền sinh nghĩ rằng sự vật là thường còn. Đây là ý niệm sai lầm hay tà kiến. Khi thiền sinh thấy được tam tướng, đạt được tầng mức hiểu biết trọn vẹn thứ hai, thiền sinh có thể loại trừ được ý niệm sai lầm này. Thiền sinh không còn thấy sự vật thường còn, tốt đẹp, toại nguyện và có bản chất. Như vậy, nhờ thấy được ba đặc tính của các pháp hữu vi hay các pháp có điều kiện, thiền sinh có thể loại trừ được ý niệm sai lầm về sự vật, không còn thấy sự vật là thường còn, đáng yêu và có bản chất nữa. Đối với những bậc thánh hữu học, những vị đạt được tầng thánh thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Đức Phật đã thường xuyên nhắc bảo là phải tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ để đạt đến mục tiêu cuối cùng là A La Hán. Lúc đó mới gọi là có sự hiểu biết trọn vẹn. Đối với các bậc A La Hán thì thế nào? Các Ngài còn phải hành thiền Tứ Niệm Xứ nữa không? Đối với những vị đã trở thành A La Hán, đã hoàn toàn thóat khỏi mọi bợn nhơ, sống đời sống thánh thiện cho đến giờ phút cuối cùng. Những vị ấy đã hoàn thành những gì cần phải hoàn thành, đã trút bỏ gánh nặng xuống, đã đạt được mục tiêu tối thượng, đã hủy diệt mọi yếu tố đưa đến sự tái sinh, đã hoàn toàn giải thóat, và có trí tuệ tuyệt hảo; thế nhưng các Ngài cũng phải tinh cần, tỉnh giác (ý thức sáng suốt), chánh niệm, định tâm vào việc trú trong thân quán sát thân, trú trong thọ quán sát thọ, trú trong tâm quán sát tâm, trú trong pháp quán sát pháp. Ở đây Đức Phật không nói đến lý do tại sao vị A La Hán phải tiếp tục hành Thiền Minh Sát, Ngài chỉ nói rằng: “Vị A La Hán phải tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ, quán sát thân, thọ, tâm, pháp”. Vị A La Hán đã loại trừ hoàn toàn mọi phiền não trong tâm, Ngài không còn tham ái, dính mắc, sân hận, phiền não. Ngài thực hành quán sát thân, thọ, tâm, pháp với tâm hoàn toàn trong sạch, không bợn nhơ. Có nghĩa là Ngài không còn dính mắc vào thân, thọ tâm, pháp. Trong bài kinh này Đức Phật đã nói: Ngay một vị A La Hán trong sạch thóat khỏi các bợn nhơ vẫn còn phải thực hành Thiền Minh Sát. Như vậy, chánh niệm dành cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ những người còn phiền não. Các Ngài A La Hán, hành thiền chánh niệm để làm gì? Trong một bài kinh khác trưởng lão Sāriputta đã dạy: “Các vị A La Hán thực hành Tứ Niệm Xứ để hưởng được sự an tịnh, hưởng quả vị A La Hán 'ngay trong kiếp sống này' và để luôn luôn có ý thức sáng suốt và chánh niệm. Mặc dầu các Ngài A La Hán không còn phiền não trong tâm, nhưng các Ngài vẫn còn đau thân, bệnh hoạn v.v… nhờ hành Thiền Minh Sát các Ngài có thể sống với cơn đau, chịu đựng được cơn đau, có thể khiến cho sự đau không trầm trọng. Hành Thiền Minh Sát cũng là cách để làm giảm cơn đau của thân. Khi Đức Phật bị bệnh nặng, Ngài cũng thực hành Thiền Minh Sát. Nhờ hành Thiền Minh Sát nên Ngài hết bệnh. Nhờ hành Thiền Minh Sát, khi đạt được tầng mức cao hơn, bạn có thể hy vọng trừ khử được một số bệnh hoạn trong thân. Trong kinh cũng nói rằng một vị A La Hán luôn luôn thực hành chánh niệm để có thể vào hưởng quả Niết Bàn (Phalasamāpatti) một cách nhanh chóng trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như khi các Ngài thuyết pháp quá mệt, các Ngài vào hưởng quả Niết Bàn, các Ngài sẽ tỉnh táo trở lại. Những vị A La Hán bận nhiều việc phải làm ở chùa chiền, không thường trực hành thiền chánh niệm thì không thể vào hưởng quả Niết Bàn một cách nhanh chóng, dễ dàng được. Như vậy, một vị A La Hán cũng còn phải hành thiền minh sát để hưởng được hương vị giải thóat ngay trong kiếp sống này. Chánh niệm của các Ngài cũng phải luôn luôn đi kèm với tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), và phải luôn luôn thực hành thường xuyên thì các Ngài mới vào quả Niết Bàn một cách dễ dàng, nhanh chóng. Như vậy, Thiền Minh Sát cần thiết cho tất cả mọi người. Mọi người đều phải thực hành một cách tinh tấn và nghiêm túc. Đức Phật một lần nữa vào cuối bài pháp nhắc nhở chúng ta: 
Người mới bước chân vào Phật Giáo hay những vị Tỳ Khưu mới tu cần phải được khuyến khích thực hành Thiền Minh Sát, có nghĩa là phải động viên, khuyến khích chọ những người mới tu thực hành Tứ Niệm Xứ. Các bạn phải luôn luôn nhớ rằng: Không những lúc còn phiền não các bạn phải hành thiền mà khi đã hết phiền não các bạn cũng phải hành thiền. Dù chưa giác ngộ hay đã giác ngộ đều phải hành thiền minh sát trong mọi lúc. Trong bài pháp này điều tôi muốn nhấn mạnh là: “hiểu biết trọn vẹn”. Hiểu biết trọn vẹn là thấy được đặc tính riêng, đặc tính chung, loại trừ ý niệm sai lầm. Ý niệm sai lầm rằng các pháp hữu vi hay vật chất và tâm là thường còn, vĩnh cửu, toại nguyện và dưới quyền điều khiển kiểm soát của mình. 
1. Hiểu biết trọn vẹn đầu tiên là Nātapariññā, có nghĩa là hiểu biết trọn vẹn những gì cần phải biết đó là: hiểu biết đặc tính khác biệt của vật chất và tâm.
 2. Hiểu biết trọn vẹn thứ hai là Tīraṇapariññā, có nghĩa là: hiểu biết trọn vẹn về sự truy tầm, nhưng truy tầm ở đây là truy tầm tìm kiếm đặt tính chung của vật chất và tâm, thấy rõ thực tướng của chúng: thấy rõ đặc tính nhân duyên, đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của vật chất và tâm. 
3. Hiểu biết trọn vẹn thứ ba là Pahānapariññā, có nghĩa là: hiểu biết trọn vẹn về sự loại trừ: Loại trừ tà kiến hay ý niệm sai lầm rằng các pháp hữu vi hay vật chất và tâm là thường còn, vĩnh cửu, toại nguyện và dưới quyền điều khiển hay kiểm soát của mình. Như vậy, hiểu biết trọn vẹn không có nghĩa là sự hiểu biết thông thường những gì cần phải biết mà là hiểu biết chân tướng: vô thường, khổ, vô ngã của sự vật (vật chất và tâm, hay ngũ uẩn thủ).

Trích: HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Hòa thượng Silānanda giảng
Sư Khánh Hỷ soạn dịch | Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Ajaan Fuang là người ít nói. Ông thường chỉ nói khi cần thiết: Tùy duyên, khi cần ngài cũng có thể cho ta những lời dạy chi tiết, dông dài. Trái lại, ngài chỉ nói một, hai tiếng hay đôi khi chẳng nói lời nào. Ngài tuân theo tôn chỉ của Thiền sư Ajaan Lee rằng: “Nếu sư muốn giảng Pháp cho người, nhưng họ không muốn nghe, hay chưa sẵn sàng lãnh hội những điều sư dạy, thì dù bài Pháp định giảng có thâm thúy đến đâu, đó cũng bị coi là những lời phù phiếm, vì nó không ích lợi gì”.
 
1. Tôi (Tỳ-kheo Thanissaro) luôn ngưỡng mộ sự sẵn lòng dạy thiền của Ajaan Fuang - đôi khi quá sốt sắng - ngay cả khi ngài đang bệnh. Có lần ngài giải thích với tôi rằng: “Nếu có người thực sự sẵn lòng nghe, ta cũng thấy sẵn lòng để dạy, nên dù phải nói bao lâu, ta cũng không thấy mệt. Đúng ra, cuối cùng ta lại thấy có nhiều năng lực hơn lúc mới bắt đầu. Nhưng nếu họ không sẵn lòng nghe, ta lại thấy mệt sau chỉ một, hai lời nói”.
 
2. “Trước khi nói điều gì, hãy tự hỏi mình xem điều đó có cần thiết  không. Nếu không, thì đừng nói. Đó là bước đầu tiên trong việc luyện tâm - vì nếu sư không thể làm chủ cái miệng mình, thì làm sao sư có thể hy vọng làm chủ tâm mình?”.
 
3. Đôi khi Ajaan Fuang khiển trách - do lòng tử tế - tuy nhiên ngài có cách riêng để làm điều đó. Ngài không bao giờ lớn tiếng hay dùng lời thô tục, nhưng lời của ngài vẫn có thể làm cháy lòng bạn. Có lần tôi nói về điều này và hỏi ngài: “Tại sao khi sư khiển trách, lời của sư thấu tận tâm can con?”.
 
Ngài trả lời: “Vậy thì con mới nhớ. Nếu lời nói không vào tận tâm can của người lắng nghe, thì chúng cũng không thấu tâm can với người nói”.
 
4. Khi khiển trách đệ tử, ngài thường xét xem người đệ tử đó có tinh tấn tu tập. Người đệ tử càng tinh tấn, ngài càng khiển trách nhiều hơn, vì ngài nghĩ là người đệ tử đó sẽ tuân giữ lời ngài tốt nhất.
 
Có lần một cư sĩ đệ tử của ngài - không hiểu được điều này - đang lo chăm sóc lúc ngài bị bệnh ở Bangkok. Dầu cô đã cố gắng hết sức để chăm lo cho ngài, ngài vẫn luôn miệng khiển trách cô, đến độ cô đã nghĩ đến chuyện rời xa ngài. Tuy nhiên, cũng may là có một cư sĩ khác đến thăm, và ngài Ajaan Fuang tình cờ nói với người đó: “Khi một vị thầy khiển trách đệ tử của mình, đó là vì hai lý do: một là để giữ người đó lại, hai là để họ ra đi”.
 
Người đệ tử đầu tiên nghe thế, bỗng hiểu ra lý lẽ, nên cô quyết định ở lại với thầy.
 
5. Có một câu chuyện mà Ajaan Fuang thích kể - theo cách riêng của ngài - là câu chuyện tiền thân của con rùa và các con thiên nga.
 
Ngày xưa có đôi thiên nga thường thích dừng chân uống nước bên hồ. Qua thời gian, chúng kết bạn với một chú rùa sống trong hồ nước đó. Rồi chúng kể cho chú rùa nhiều thứ mà chúng thấy được khi bay bổng trên không trung. Chú rùa bị những câu chuyện của chúng cuốn hút, nhưng rồi chú cảm thấy buồn nản vì biết rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội được nhìn thấy thế giới bao la như thiên nga. Khi chú tâm sự với thiên nga về điều này, chúng nói: “Không vấn đề. Chúng tôi sẽ tìm cách mang bạn theo”. Nói rồi con thiên nga đực ngậm một đầu khúc cây, con thiên nga cái ngậm đầu còn lại, còn chú rùa ngậm giữa khúc cây. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, đôi thiên nga bay lên, mang theo chú rùa.
 
Khi chúng bay trên không trung, chú rùa được thấy thật nhiều thứ, nhiều thứ chú chưa mơ thấy bao giờ khi ở trên mặt đất. Chú thật vui và hạnh phúc vô cùng. Tuy nhiên, khi ba con vật bay qua một ngôi làng, một đám trẻ đang chơi bên dưới nhìn thấy chúng bèn la to: “Nhìn kìa! Thiên nga kéo rùa!  Thiên nga kéo rùa!”.  Điều đó làm chú rùa mất vui, chú chợt nghĩ ra một câu để vặn vẹo lại: “Không. Chính rùa kéo thiên nga!”. Nhưng ngay khi chú vừa mở miệng nói, thì đã rơi xuống đất chết tươi.
 
Bài học của câu chuyện là: “Hãy giữ miệng ở những chốn cao sang”.
 
6. “Rác (litter)” là tiếng lóng của người Thái, ám chỉ những chuyện phiếm, và có lần ngài Ajaan Fuang đã sử dụng để gây hiệu ứng.
 
Một buổi tối kia khi ngài đang giảng thuyết tại Bangkok. Có ba phụ nữ trẻ là những người bạn thân của nhau. Họ vô tình gặp nhau ở nơi ngài đang giảng pháp, nhưng thay vì ngồi xuống hòa nhập cùng những người đang hành thiền lúc đó, họ lại túm tụ vào một góc chuyện trò riêng tư. Mãi lo chuyện vãn, họ không để ý là Ajaan Fuang đã đứng dậy, đi qua chỗ họ ngồi với tay cầm hộp diêm. Ngài khẽ dừng lại, quẹt diêm, rồi  quăng nó vào khoảng trống giữa ba người phụ nữ. Họ lập tức nhảy lên, một người nói: “Sư! Sao sư làm vậy? Xém nữa là đã trúng tụi con!”.
 
Ajaan Fuang trả lời: “Sư thấy một đống rác ở đó, nên định đốt nó đi”.
 
7. Có lần Ajaan Fuang nghe được hai người đệ tử đang nói chuyện. Một người hỏi điều gì đó, và người kia bắt đầu câu trả lời: “À, theo tôi hình như là…”.  Ajaan Fuang lập tức cắt ngang: “Nếu con không biết, thì nói không biết, chỉ vậy thôi. Tại sao lại đem rải cái ngu dốt của mình cùng khắp?”.
 
8. “Mỗi người chúng ta có hai lỗ tai và một cái miệng - có nghĩa là ta cần phải lắng nghe nhiều hơn, và nói ít lại”.
 
“Bất cứ điều gì xảy ra trong lúc hành thiền, không nên chia sẻ với ai, trừ vị thầy của bạn. Nếu bạn nói với người này, người kia, đó là khoe khoang. Đó chẳng phải là một uế nhiễm sao?”.
 
“Khi người ta khoe giỏi, khoe hay, thực ra là họ đang khoe cái ngu dốt của mình”.
 
“Nếu điều gì thực sự tốt, bạn không cần phải quảng cáo về nó”.
 
Ajaan  Fuang  Jotiko - Diệu Liên Lý Thu Linh  (chuyển ngữ)
1. Đừng mong đợi bất cứ gì, bạn hãy ngồi trở lại và nhìn xem cái gì xảy ra. Hãy xem toàn bộ [thiền tập] như một thử nghiệm; hãy tham dự tích cực vào chính thử nghiệm, nhưng đừng phân tâm vào chuyện mong đợi kết quả [thiền tập]. Do vậy, bạn đừng lo lắng về bất kỳ kết quả nào, hãy để thiền tập trôi chảy theo tốc độ và hướng đi riêng của nó. Hãy để thiền tập dạy cho bạn những gì nó muốn hiển lộ cho bạn. Sự tỉnh thức khi thiền tập là để giúp bạn thấy thực tại chính xác như nó là.
Cho dù điều đó có đáp ứng với mong đợi của bạn hay không, nó cũng đòi hỏi ở bạn một sự ngưng đọng tạm thời tất cả các thành kiến và ý kiến. Chúng ta phải cất dẹp đi các hình ảnh, ý kiến và diễn dịch của chúng ta sang chỗ khác trong khi thiền tập, nếu không, chúng ta sẽ vấp vào chúng.

2. Đừng căng thẳng, cưỡng bách bất cứ thứ gì bởi thiền tập không hề có tính xông xáo nào, cũng không có cố gắng mạnh bạo nào. Hãy cứ để nỗ lực [thiền tập] của bạn thư giãn và đều đặn.

3. Đừng vội vã, hấp tấp, hãy từ từ thoải mái, ngồi lên một tọa cụ, và ngồi như thể bạn có trọn cả một ngày. Bất cứ những gì thực sự giá trị đều cần thời gian để phát triển. Hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn, và kiên nhẫn.

4. Đừng dính vào bất cứ gì, và đừng xô đẩy ra bất cứ gì, bạn hãy để mặc cho những gì tới cứ tới, và hãy nhẫn chịu nó, bất kể nó là gì. Nếu các hình ảnh tốt khởi lên trong tâm bạn thì đều là tốt. Nếu các hình ảnh xấu khởi lên trong tâm bạn thì cũng tốt thôi. Hãy nhìn tất cả chúng như bình đẳng, và nhẫn chịu với bất cứ gì xảy ra, đừng chống trả với bất cứ gì bạn kinh nghiệm, mà hãy quan sát tất cả một cách tỉnh thức.

5. Hãy buông xả và học cách cho trôi đi tất cả những biến đổi hiện ra. Bạn nên thả lỏng và thư giãn.

6. Chấp nhận bất cứ thứ gì sinh khởi, cũng như chấp nhận các cảm thọ của bạn, ngay cả những cảm thọ bạn mong muốn đừng tới. Hãy chấp nhận các kinh nghiệm của bạn, ngay cả các kinh nghiệm bạn ghét. Đừng lên án chính mình về các bất toàn và thất bại, bạn hãy học để thấy rằng tất cả các hiện tượng trong tâm là những gì có thể hiểu và để nó tự nhiên một cách toàn hảo. Hãy thực tập sự chấp nhận không phân biệt vào mọi thời, và với lòng tôn kính mọi thứ mà bạn kinh nghiệm.

7. Hãy dịu dàng và tử tế với chính bạn. Bạn có thể không toàn hảo, nhưng bạn là tất cả những gì bạn phải làm việc với, và tiến trình trở thành “một ai đó” mà bạn sẽ là, thì khởi đầu với sự chấp nhận toàn bộ “cái ai đó” mà bạn đang là.

8. Hãy khảo sát chính bạn bằng cách nêu câu hỏi về mọi thứ. Bạn không cần xem mọi thứ như điều phải tin. Đừng tin vào bất cứ gì chỉ vì nó nghe có vẻ như khôn ngoan và giáo lệnh, và vì có vài vị tu sĩ nói. Hãy tự mình thấy đã. Như thế không có nghĩa là bạn phải hoài nghi, ngoan cố hay bất kính. Nó chỉ có nghĩa là bạn phải thực chứng. Hãy đưa tất cả các lời dạy vào cuộc thử nghiệm thực sự trên kinh nghiệm của bạn, và hãy để kết quả trở thành hướng dẫn viên của bạn tới sự thật. Thiền minh sát khởi xuất từ một khát vọng nội tâm để tỉnh thức đối với những gì có thực, và để thành đạt tuệ giải thoát đối với cấu trúc thật của hiện hữu. Pháp tu toàn bộ dựa vào khát vọng này để thức tỉnh trước sự thật. Không có nó, pháp tu sẽ chỉ sơ sài nông cạn.

9. Hãy nhìn tất cả trở ngại như là một thử thách, và xem các trở ngại sinh khởi như là các cơ hội để học và trưởng thành. Đừng chạy trốn chúng, hãy để chúng hiện hữu trong sự im lặng thánh thiện của bạn. Bạn có một trở ngại? Tốt đó! Có thêm hạt lúa để xay đó! Bạn hãy hân hoan, nhìn tới và khảo sát.

10. Đừng để mọi thứ đè nặng trong lòng. Bạn không cần phải giải quyết hết mọi thứ. Việc khởi niệm lung tung không giải thoát bạn ra khỏi cạm bẫy. Trong thiền tập, tâm sẽ được thanh tịnh hóa một cách tự nhiên bởi sự tỉnh thức, bởi sự quán tâm lặng lẽ. Sự khảo sát theo thói quen không nhất thiết xóa bỏ những thứ đang ràng buộc bạn. Tất cả những điều cần thiết chỉ là một nhận thức rõ ràng, phi khái niệm về những gì chúng đang là và về những cách mà chúng đang hành hoạt. Chỉ riêng như thế cũng là đủ để giải thoát chúng [các niệm bất tịnh]. Các khái niệm và lý luận chỉ gây cản trở thêm cho bạn. Đừng suy nghĩ mà hãy nhìn thôi.

11. Đừng để tâm bạn dính mắc vào sự phân biệt. Các dị biệt xuất hiện giữa con người là điều hiển nhiên nhưng nếu bạn để tâm phân biệt thì lại là một tiến trình nguy hiểm. Nếu không cẩn trọng xử lý, nó sẽ dẫn bạn trực tiếp tới ngã mạn. Sự suy nghĩ của người bình thường thì đầy những tham vọng, ghen tị và kiêu hãnh. Một người nhìn thấy một người khác trên đường phố có thể tức khắc nghĩ rằng, “Ông này trông đẹp trai hơn mình”, kết quả tức khắc sẽ là ghen tị hay xấu hổ. Một thiếu nữ thấy một thiếu nữ khác có thể nghĩ, “Mình xinh đẹp hơn cô này”, kết quả tức khắc là sự kiêu căng. Loại so sánh này là một thói quen tâm thức, và nói dẫn trực tiếp tới cảm thọ xấu về cách này hay cách khác: tham ái, ghen tị, kiêu căng, thù ghét. Đó là một trạng thái tâm thức thiếu khéo léo, nhưng chúng ta cứ làm như thế hoài. Chúng ta so sánh về ngoại hình của mình với người khác: về sự thành công của mình, về thành tựu của mình, về sự giàu có của mình, hay về sự thông minh của mình. Và mọi thứ này dẫn chúng ta tới cùng một chỗ-sự xa rời, tạo thêm những rào cản giữa con người với con người, cũng như phát triển những cảm thọ bất thiện.

Thiền sư Henepola Gunaratana


trích dịch từ Chương 4, trong “Mindfulness in Plain English” – một cuốn sách đang được nhiều tu viện và đại học Hoa Kỳ dùng làm cẩm nang thiền tập. 


Năm 12 tuổi, ngài Henepola Gunaratana thọ giới Sa di trong một ngôi chùa nhỏ ở làng Malandeniya, huyện Kurunegala, tại Sri Lanka. Năm 20 tuổi, ngài thọ cụ túc giới tại Kandy; lúc đó là năm 1947. Ngài tốt nghiệp các Trường Đại học Vidyalankara College và Buddhist Missionary College ở Colombo, rồi sang Ấn Độ làm việc cho hội Mahabodhi Society, phục vụ những người trong giai cấp bần cùng Harijana ở Sanchi, Delhi và Bombay; sau đó, sang Mã Lai 10 năm làm giảng sư, và giữ chức cố vấn tôn giáo cho các hội Sasana Abhivurdhiwardhana Society, Buddhist Missionary Society và Buddhist Yourth Federation of Malaysia. Ngài cũng là Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Kuala Lumpur.
Theo lời mời của Sasana Sevaka Society, ngài sang Hoa Kỳ năm 1968, giữ chức Tổng Thư ký danh dự cho Buddhist Vihara Society ở thủ đô Washington D.C. Năm 1980, ngài được cử làm Chủ tịch hội này. Trong những năm ở đây, đại sư dạy các lớp về Phật giáo, tổ chức các kỳ thiền thất và thuyết pháp khắp Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc và Tân Tây Lan.
Khi mới tới Hoa Kỳ, ngài đã vào học phân khoa Triết học ở American University, và lấy cả 3 văn bằng Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ ở đây. Sau đó, đại sư dạy các lớp Phật học tại 3 Đại học vùng thủ đô- American University, Georgetown University và University of Maryland. Từ năm 1973, ngài trở thành Tuyên úy Phật giáo tại American University, cố vấn cho sinh viên có quan tâm về Phật giáo và thiền định. Bây giờ, ngài là Chủ tịch hội Bhavana Society ở West Virginia trong vùng núi Shenandoah, khỏang 100 dặm cách thủ đô, chuyên dạy và tổ chức thiền định.

Nguồn: sutamphap

Xem thêm>>

Xem thêm>>

Đóng liên hệ [x]
hotline0906 18 40 60
-->