An Trú Trong Giây Phút Hiện Tại

logo
Sự kiện tiêu biểu

Tin mới

Showing posts with label Ky-nang-giao-tiep. Show all posts
Showing posts with label Ky-nang-giao-tiep. Show all posts
Việc tham dự phỏng vấn tuyển dụng làm bạn âu lo đến toát cả mồ hôi? Đừng ngại ngùng khi thú nhận điều này vì thật ra đó là tâm lý chung của đa số ứng viên. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là cho đến nay chưa có ứng viên nào “gục ngã” vì quá hồi hộp trong lúc phỏng vấn! Vì thế, bạn hãy bình tĩnh và tham khảo một số bí quyết sau để tự trấn tĩnh trước và trong buổi phỏng vấn.

Trước tiên, bạn cần chuẩn bị thật chu đáo cho buổi phỏng vấn. Chuẩn bị kỹ sẽ giúp bạn thêm tự tin và bớt lo âu. Theo các chuyên gia, bạn nên dành ít nhất 3 giờ để chuẩn bị cho mỗi cuộc phỏng vấn. Việc đầu tiên bạn cần làm là suy nghĩ cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất và tập trình bày rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp:

1. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn? 
Đây thật sự là cơ hội để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (NTD). Bạn cần trình bày ngắn gọn và cô đọng về điểm mạnh, năng lực của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho công ty. Tuy nhiên, bạn không nên trả lời câu hỏi này một cách chung chung, chẳng hạn: “Tôi làm việc rất chăm chỉ và nhiệt tình.” Hãy tạo sự khác biệt cho bản thân bằng cách giới thiệu những phẩm chất chỉ bạn mới có và bắt đầu câu trả lời với “Tôi chính là người phù hợp nhất cho vị trí này vì ….”

2. Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Đây là một trong những câu hỏi mà NTD hay dùng để kiểm tra xem bạn có chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn hay chưa. Bạn đừng bao giờ dự một buổi phỏng vấn mà không biết tí gì về công ty, đường hướng phát triển và hoạt động kinh doanh của nó nhé! Nếu bạn đã tìm hiểu, nghiên cứu về công ty, câu hỏi này sẽ cho bạn cơ hội để thể hiện tinh thần chủ động cũng như chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực của bạn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty.

3. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Hãy thành thật khi đề cập đến điểm yếu của bạn, nhưng đừng quên chứng tỏ bạn có thể biến nó thành điểm mạnh. Ví dụ: nếu trước đây bạn từng làm việc với hiệu quả chưa cao thì hãy trình bày những việc bạn đã làm để cải thiện điều này. NTD sẽ nhận ra bạn là người dám thừa nhận những điểm yếu của mình và luôn tìm cách để hoàn thiện bản thân.

4. Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ? 
Ngay cả khi bạn rời bỏ công việc cũ với tâm trạng không vui, bạn cũng không nên trả lời câu hỏi này với thái độ tiêu cực. Hãy khéo léo né tránh đề cập đến những điều bạn không hài lòng về  công việc cũ. Còn nếu bạn thật sự muốn đề cập, hãy cố gắng trình bày chúng cùng với một số điểm tích cực để cân bằng. Việc than phiền không dứt về công ty cũ sẽ khiến NTD không đánh giá cao thái độ làm việc của bạn.

5. Hãy mô tả một tình huống khó khăn bạn từng gặp phải và cách bạn đã xử trí 
Đôi lúc, bạn sẽ không biết trả lời câu hỏi này như thế nào, đặc biệt là khi bạn mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Khi hỏi câu này, NTD muốn biết bạn có khả năng tư duy để tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề bạn gặp phải hay không. Ngay cả khi vấn đề của bạn là không có đủ thời gian để học tập, nghiên cứu, bạn cũng cần cho NTD thấy cách bạn đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong lịch làm việc của mình để giải quyết nó. Việc này chứng tỏ bạn là người có tinh thần trách nhiệm và có thể tự mình tìm ra giải pháp cho vấn đề gặp phải.

6. Bạn tự hào nhất về thành tích nào của mình? 
Khi trả lời câu hỏi này, bạn nên chọn một thành tích liên quan đến nghề nghiệp và phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để giới thiệu. Hãy ngẫm nghĩ về những phẩm chất công ty đang tìm kiếm ở ứng viên và tìm ra một ví dụ phù hợp nhất để chứng tỏ bạn chính là người công ty đang cần. 

7. Bạn đề nghị mức lương ra sao? 
Đây là một trong những câu hỏi khó nhất, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc đầu tiên cần làm trước khi dự phỏng vấn là nghiên cứu mức lương phổ biến trong ngành nghề của bạn để ước lượng con số mình nên đề nghị. Hãy trình bày rõ ràng với NTD rằng bạn sẽ chỉ bàn thảo chi tiết về lương bổng khi đã nhận được lời đề nghị tuyển dụng. Nếu NTD thúc ép bạn đưa ra một câu trả lời cụ thể, bạn hãy đưa ra một mức lương kiểu “khoảng” hơn là một con số chính xác.

8. Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn
Khi hỏi câu này, NTD không hề muốn nghe bạn kể “tràng giang đại hải” về quê hương của bạn hay những việc bạn đã làm vào cuối tuần. Vì thế, bạn hãy mô tả ngắn gọn về bản thân, kinh nghiệm làm việc và mục tiêu nghề nghiệp của bạn rồi kết thúc bằng việc khẳng định sự khát khao được làm việc cho công ty. Nếu bạn đã chuẩn bị kỹ câu trả lời thì câu hỏi này chính là cơ hội tốt để bạn nhấn mạnh thêm năng lực của mình.

Kế tiếp, bạn nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về công ty và công việc của bạn. Việc này sẽ tạo ấn tượng tốt cho NTD vì họ nghĩ bạn thật sự quan tâm đến vị trí này.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, nếu bạn không biết rõ đường đi đến địa điểm phỏng vấn thì trước khi gặp NTD vài ngày, bạn nên đi trước để dò đường. Việc này còn giúp bạn ước lượng được khoảng thời gian cần thiết để đến địa điểm phỏng vấn đúng giờ.




Phỏng vấn là một nghệ thuật. Phỏng vấn là một trong những kỹ năng quan trọng giúp nhà tuyển dụng chọn được ứng viên phù hợp giữa hàng trăm ứng viên “thường thường bậc trung” khác. Để buổi phỏng vấn thành công và đạt được kết quả mong muốn, người phỏng vấn cần lên kế hoạch rõ ràng và nhất quán trước và trong suốt cuộc phỏng vấn.

Vì vậy, trước khi tiến hành phỏng vấn, hãy chắc rằng bạn đã chuẩn bị sẵn các câu hỏi phù hợp để tìm hiểu những thông tin cần thiết về ứng viên:

Trước Buổi Phỏng Vấn

Xác định rõ mục tiêu tuyển dụng:
Bạn cần xác định rõ bạn muốn ứng viên đáp ứng những yêu cầu, mong đợi và những phẩm chất gì qua những câu hỏi sau:
  • - Ứng viên cần đảm trách những nhiệm vụ gì, có những kiến thức và kỹ năng nào?
  • - Ứng viên cần đạt được những thành tích cụ thể nào ở vị trí này?
Xóa tan sự ngượng ngập ban đầu 
Hãy để cho buổi phỏng vấn của bạn diễn ra thật tự nhiên. Là người phỏng vấn, bạn nên giúp ứng viên đỡ căng thẳng, lo lắng trước khi buổi phỏng vấn thực sự bắt đầu. Bạn có thể hỏi ứng viên:
  • - Bạn tìm công ty của chúng tôi có khó không?
  • - Bạn muốn dùng chút café hay nước lọc trước khi chúng ta bắt đầu không?
Trong Cuộc Phỏng Vấn

Đặt câu hỏi để xác định đúng khả năng thật sự của ứng viên
Bạn không nên chỉ đặt câu hỏi phỏng vấn dựa vào bảng mô tả công việc và kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Với những câu hỏi sau đây, bạn sẽ có thông tin chính xác hơn để biết được ứng viên có đủ kỹ năng và phẩm chất phù hợp với công việc hay không.

Các câu hỏi dạng truyền thống:
Ứng viên thường đoán trước họ sẽ được hỏi những câu này, vì vậy họ sẽ chuẩn bị sẵn câu trả lời trước buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, bằng cách hỏi các câu hỏi sau đây, bạn sẽ có được những thông tin cơ bản về ứng viên. Ví dụ:
  • - Hãy cho tôi biết về anh/chị.
  • - Điểm mạnh của anh/chị là gì?
  • - Tại sao anh/chị muốn làm việc cho công ty chúng tôi?
Câu hỏi tình huống:
Đây là dạng câu hỏi giúp bạn đánh giá khả năng xử lý tình huống của ứng viên. Hãy hỏi ứng viên cách họ xử lý một tình huống cụ thể trong công việc như thế nào. Ví dụ:
  • - Bạn sẽ làm gì khi gặp một khách hàng đang vô cùng tức giận?
  • - Bạn sẽ làm gì để giảm căng thẳng trong công việc?
Câu hỏi về hành vi trong quá khứ:
Dạng câu hỏi này yêu cầu ứng viên cho biết kinh nghiệm làm việc trước đây của họ. Cách giải quyết vấn đề của ứng viên trong quá khứ là cơ sở đáng tin cậy giúp nhà tuyển dụng dự đoán được cách họ xử lý công việc trong tương lai như thế nào. Ví dụ:
  • - Hãy cho tôi một ví dụ về cách anh/chị giải quyết thành công một sự cố trong công việc trước đây cùng với đội nhóm của mình?
  • - Anh/chị đã từng xử lý thành công một vấn đề nan giải trong công việc trước đây như thế nào?
Tìm nhân viên biết “chung vai sát cánh”.
Bạn cần tìm ứng viên có thể làm việc tốt với đội nhóm và phù hợp với văn hóa công ty. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng! Các câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn biết được ứng viên có phải là một thành viên phù hợp không:
  • - Anh/chị sẽ làm gì để hoàn thành dự án A trong một hạn định rất ngắn với một đội ngũ có 3 thành viên?
  • - Theo anh/chị, đâu là tiêu chí quan trọng nhất khi làm việc theo nhóm?
Nên có nhiều người tham gia buổi phỏng vấn
Nếu điều kiện cho phép, bạn nên mời một số người liên quan tham gia buổi phỏng vấn để có đánh giá khách quan và thấu đáo hơn về ứng viên. Ngoài cấp quản lý trực tiếp và đại diện phòng nhân sự ra, bạn nên mời thêm một nhân viên khác làm việc chung bộ phận với ứng viên sau này.



Có bao giờ bạn nhìn mình trong gương và ngượng nghịu trước hình ảnh của mình chưa? Nếu đó là thói quen của bạn thì tôi khuyên bạn nên từ bỏ nó. Nếu bạn không thích chính bản thân mình thì làm sao bạn có thể tự tin vào chính mình. Và nếu bạn thiếu sự tự tin nơi bản thân thì làm sao người ta có thể tin tưởng bạn? Nhiều người, dù già hay trẻ đều thiếu tự tin vào một thứ gì đó trong cuộc sống - có thể là thiếu tự tin về ngoại hình, giọng nói, lối sống, thói quen, công việc hay thậm chí là gia đình. 

Khi đi phỏng vấn, sự tự tin sẽ giúp bạn xin được việc. Hãy tưởng tượng có 2 ứng viên được phỏng vấn, một người thì tự tin, quả quyết, còn người kia thì rất lo lắng. Dĩ nhiên người thứ nhất sẽ có ưu thế hơn. Không ai có được tự tin chỉ qua một đêm, mà đó là cả một quá trình, nhưng mọi người có thể đạt được nếu họ cố gắng. Những cách sau đây sẽ giúp bạn tự tin hơn: 

1. Thích chính mình 

Bước đầu tiên để tự tin hơn là phải chấp nhận và yêu thích bản thân. Bạn nên liệt kê tất cả những đặc điểm tích cực và điểm mạnh của mình trên một tờ giấy hoặc quyển sổ. Bằng cách này, bạn sẽ tự nhắc nhở rằng mình cũng có rất nhiều tố chất đáng quý như những người khác. Từ đó, bạn sẽ yêu thích bản thân và cảm thấy tự tin hơn nhiều. 

2. Tham gia các hội thảo

Cách rất tốt để tăng thêm tự tin là bạn hãy tham gia các hội thảo chuyên đề về bí quyết và hướng dẫn có được tự tin do những chuyên gia trình bày. Bạn có thể lấy những ý chính hoặc quan sát những cử chỉ và phong thái mà họ thể hiện. 

3. Động viên bản thân

Dù chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn hay bài diễn văn, bạn hãy luôn tự nhủ rằng bạn sẽ làm được. Hãy động viên bản thân mỗi ngày và bạn sẽ thấy sự tự tin của mình không ngừng tăng lên. Một cách khác là hàng ngày sau khi đi học hoặc đi làm về, bạn nên liệt kê ít nhất 4 việc mà bạn đã làm tốt trong ngày hôm đó. 

4. Vượt qua nỗi sợ hãi

Một số người lo sợ họ sẽ không thể thành công trong bất cứ việc gì. Điều đó sẽ là một bất lợi và làm mất sự tự tin của bạn vào chính mình, thậm chí cả những việc trong cuộc sống. Để từ bỏ cảm giác ấy, bạn hãy luôn nhắc nhở mình, sẽ không làm bất cứ việc gì một khi còn nỗi lo mình sẽ thất bại. Hãy tích cực và hãy làm việc hăng say.

5. Chấp nhận thất bại

Nếu bạn luôn luôn khóc lóc sau những thất bại, thì bạn sẽ chẳng thể nào tiến bộ được. Hãy nhớ rằng, những sai lầm và những thất bại đã qua không thể đảo ngược lại. Một người tự tin luôn nhìn về quá khứ để sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Nếu bạn thất bại một lần, không sao cả, hãy lấy nó làm bài học cho mình. 



Đừng kể cho đồng nghiệp bạn đang tìm công việc mới, hãy làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn cả trước khi bạn định thôi việc....
  • - Nhân viên PR lúc ít việc
  • - Vấn đề không bao giờ là do nhân viên
  • - Khi nhân viên biết nhiều hơn sếp
  • - Đừng ra đi theo kiểu anh hùng trong các phim thập niên 80
Khảo sát gần đay cho thấy gần 32% người lao động Mỹ đang nghiêm túc cân nhắc xin nghỉ việc. 21% khác thì nói họ không hài lòng với chủ doanh nghiệp hiện thời của mình và đã ngán tận cổ công việc và không còn động lực gì nữa. Điều đó có nghĩa là một nửa lực lượng lao động Mỹ đang rất chán nản và 1/3 đã vượt quá giới hạn chịu đựng.

Thôi việc? Thành thực mà nói, đó là cả một nghệ thuật.

Nhưng nếu cuộc suy thoái có dạy cho chúng ta được điều gì về việc này, thì đó là không nên tin rằng bạn có thể nhanh chóng tìm được một công việc mới. Với nền kinh tế bấp bênh trên bờ vực, các công ty vẫn chưa hết lo sợ để có thể bắt đầu sốt sắng tuyển dụng trở lại. Bởi vậy, nếu bạn đang muốn nghỉ việc, thì hãy làm cho đúng. Dưới đây là vài mẹo nhỏ để bạn nắm được nghệ thuật thôi việc.

Giữ yên lặng. Dù sẽ rất thú vị nếu được kể cho đồng nghiệp chuyện bạn đang tìm một công việc khác, bạn cũng đừng làm vậy.

Bà Marie McIntyre, tư vấn nghề nghiệp đồng thời là tác giả cuốn sách nổi tiếng, nói: “Quản lý của bạn có thể cho việc bạn muốn bỏ đi như một sự phản bội, thế nên tốt nhất hãy giữ bí mật. Ngay khi cấp trên của bạn biết bạn đang tìm việc khác, bạn sẽ bị xem là người làm việc ngắn hạn và đánh mất những cơ hội giá trị, như thăng tiến, tăng lương, phân công công việc, hay khóa học đào tạo.”

Chuẩn bị trước mọi tình huống. Trước khi bạn chuẩn bị nói lời chấp nhận hay từ chối một công việc, hay thậm chí tiết lộ chuyện thôi việc cho đồng nghiệp của mình, hãy chuẩn bị trước mọi thứ cho những công việc tiềm năng tiếp theo. Biết đâu đến làm việc cho đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ bị giảm lương. Bạn sẽ muốn tìm cách ở lại hoặc cân nhắc đổi nghề để vẫn duy trì mức lương hiện tại của mình – và mức sống nữa.

Đi phỏng vấn bằng thời gian của bạn. Lên lịch phỏng vấn trước hoặc sau giờ làm việc, hoặc trong giờ ăn trưa. Nếu không thể làm thế, hãy sử dụng thời gian nghỉ phép. Bạn sẽ không muốn bị chủ doanh nghiệp cũ giới thiệu về mình thế này: “Ồ, anh ta là kiểu người không còn giữ được hứng thú đến lúc cuối cùng…”. Và, bà McIntyre chỉ ra rằng, phỏng vấn viên đánh giá rất cao sự tôn trọng mà bạn dành cho chủ doanh nghiệp hiện tại của mình. Ding! 1 điểm dành cho bạn.

Kết thúc ấn tượng. Trên thực tế, cách tốt nhất để thôi việc là nỗ lực hơn ở phút cuối – hãy làm công việc hiện tại của mình nhiều hơn và thậm chí tốt hơn. Việc đó sẽ gây ấn tượng cho người phỏng vấn và giúp bạn có được lời giới thiệu đẹp hơn từ chủ doanh nghiệp cũ. Có thể họ sẽ nói “Ồ, chúng tôi thực sự mất mát rất lớn khi anh ta ra đi….” thay vì, “Một sự giải thoát. Dù sao ở đây anh ta cũng không làm được gì nhiều lắm!”

Đừng mang theo bất cứ tài sản nào của công ty. Chắc chắn, sau vài năm không được tăng lương, bạn đáng ra phải có quyền giữ lại chiếc laptop đó, nhưng hãy trả lại tất cả. Bạn sẽ không muốn bị chủ doanh nghiệp cũ nhận xét là “À, tôi nhớ anh chàng đó. Anh ta đã lấy 1 chiếc laptop của công ty chúng tôi!”

Đừng ra đi theo kiểu anh hùng trong các phim thập niên 80. Đừng tự chặn đường lui của mình. Giả sử, bạn nói thẳng vào mặt các sếp của mình rồi hùng dũng đến làm việc ở công ty đối thủ. Điều tiếp theo mà bạn được biết, là hai công ty tiến hành sáp nhập, và giờ bạn phải mặt đối mặt với người mà bạn đã từng chỉ thẳng vào mặt mà nói. Như vậy thì, bạn chắc biết rõ ai là người đứng đầu danh sách cho đợt giảm biên chế tới?

Đừng nói xấu công ty cũ trong cuộc phỏng vấn hay ở công ty mới của bạn. Cũng như khi hẹn hò vậy, thật thú vị khi được kể về người mà bạn mới bỏ, nhưng đừng làm vậy. Bạn chưa biết những người ở nơi làm việc mới và bạn không thể biết nếu họ có quen, hay thậm chí đã cưới một nhân viên ở công ty cũ của bạn. Thêm vào đó, bạn sẽ không muốn ấn tượng đầu tiên về mình là một kẻ nói xấu người khác.

Bà McIntyre nhận định: “Người ta vẫn nói rằng bạn có thể đánh giá phẩm chất thực sự của một người qua cách họ thôi việc. Ngay cả khi bạn sung sướng đến phát cuồng khi được thoát khỏi công việc cũ, hãy cẩn thận chuyển giao công việc cho người kế nhiệm và chia tay với mọi người một cách thân thiện, vui vẻ.”



Bạn có biết rằng danh dự mất đi có thể lấy lại được, tiền tài mất đi có thể lấy lại được nhưng một khi uy tín mất đi bạn sẽ rất khó để lấy lại như ban đầu! Lúc nào người khác cũng sẽ nghi ngờ bạn: liệu anh ta, cô ta có đáng tin cậy không? Thế nên cách tốt nhất đó là đừng bao giờ đánh mất uy tín cá nhân!

Người xưa thường nói : một lần mất tín vạn lần mất tin, bạn có biết vì sao không? Nếu như không giữ chữ tín với những người đã từng tin bạn thì lần sau họ sẽ chẳng thể nào tín nhiệm bạn được nữa! Khi làm việc cũng vậy, nếu bạn bất tín với họ thì sẽ không còn lần hợp tác thứ hai! Thế nên trong cuộc sống điều quan trọng đó là phải tạo dựng và giữ gìn được uy tín cá nhân nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ có được những người ủng hộ bạn!

Thường thì ngay từ khi còn trẻ chúng ta phải học được cách giữ chữ tín cho mình, hưa làm việc gì đó thì phải làm bằng được! Nếu không thể hoàn thành bạn cũng cần trình bày lí do, nguyên nhân vì sao lại không hoàn thành được việc đó! Tuy không mất uy tín nhưng lần sau họ cũng khó mà tin được bạn lắm! Thế nên nếu nhận lời ai đó làm việc gì thì bạn phải xem xét cẩn thận xem mình có thể thực hiện được hay không?

Có nhiều người cứ nhận lời mà không làm việc thậm chí nhận được tài chính từ người khác cũng không hoàn thành trọn vẹn việc cần làm. Từ đó gây nên sự nghi ngờ mất tin tưởng từ người khác! Chắc bạn cũng không muốn như vậy phải không?

Nếu mượn bạn bè của bạn tiền bạc hay đơn giản chỉ là quyển sách và hứu hẹn thời gian trả bẹn nên trả đúng thời điểm đã hẹn! việc này sẽ giúp bạn cầm được tấm vé tín nhiệm của người đó! Có như vậy lần sau họ mới dám cho bạn mượn tiếp chứ! Nhiều người chỉ mượn được của ai đó một lần và lần sau họ tìm mọi cách để từ chối cho dù người đó có khẩn thiết thế nào đi nữa!

Khi đưa ra lời hứa với một ai đó hãy suy nghĩ thật kỹ xem mình có thể biến nó thành hiện thực được không? Đừng hứa để rồi quên ngay sau khi hứa, như vậy không chỉ niềm tin dành cho bạn không còn mà uy tín của bạn với những người khác cũng chẳng tồn tại được lâu. - Người suy nghĩ chín chắn không dễ dàng nhận lời, còn khi nhận lời họ sẽ thực hiện lời hứa!


Bạn cần học cách suy nghĩ trước khi nhận lời: Trước khi quyết định đưa ra lời hứa bạn nên tự hỏi - “Mình có sẵn lòng và đủ năng lực để gánh vác việc này không?” – Nếu không, chẳng thà bạn đừng hứa còn hơn làm người khác thất vọng vì bạn không thể làm xong việc mà bạn nhận lời. Trong cuộc sống có nhiều cách để chúng ta chinh phục một ai đó vậy nên đừng lợi dụng lời hứa để tạo niềm tin cho người khác. Những gì được xây dựng trên nền tảng dối trá cuối cùng cũng tan vỡ mà thôi.

Để có thể từ chối mà không mất đi tình thân hữu, bạn có thể lựa chọn cách hành động dưới đây:

Nói rõ với họ là bạn không có đầy đủ những gì tốt nhất mà họ yêu cầu và giới thiệu lợi ích hoặc chọn lựa người khác phù hợp hơn. Lắng nghe đối phương, đặt ra câu hỏi, dẫn dắt đối phương vận dụng lý luận và khả năng tự mình biết để tìm đáp án. Mỗi ngày đề ra mục tiêu quan trọng mà bạn phải thực hiện, như vậy, khi người khác đề ra yêu cầu với bạn, bạn có thể trả lời, mục tiêu của bạn quan trọng cần làm hơn. Nếu bạn muốn cự tuyệt nhưng cảm thấy khó nói, bạn hãy tỏ ra do dự (không nói được hay không) để họ nhận thức rằng có thể bạn không đáp ứng yêu cầu của họ… Đối với những tình huống vượt ra ngoài dự kiến, bạn phải hứa để ngăn chặn nhiều rắc rối xảy ra (bạn sẽ phải sống với lòng tin bị sút giảm bởi biết mình không thể thực hiện), và rồi sẽ tìm cách khác để khôi phục lòng tin vậy.

Tóm lại, chúng ta thường mang cảm giác có lỗi khi từ chối người khác và nghĩ rằng, đưa ra lời hứa có thể tạo thêm được lòng tin. Tuy nhiên, bạn cần nhận biết rõ nhận lời sẽ hữu ích hơn hay từ chối vì lòng tự trọng, vì không thể thất hứa. Bởi không có gì dễ làm tổn hại lòng tin bằng việc hứa rồi lại không giữ lời. Vì thế, khi người khác yêu cầu một việc mà bạn không muốn đảm nhận, bạn hãy rèn luyện mình để can đảm nói “không”, vì bạn không muốn mình giả dối, và như thế, sẽ có lợi cho chính bạn và cả người khác.  

Uy tín là điều vô cùng quan trọng với cá nhân mỗi người thế nên bạn đừng bao giờ đánh mất nó! Nếu không bạn sẽ rất lâu sau mới lấy lại được sự tin tưởng và tạo dựng được uy tín của bản thân!



Trong xã hội, chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ tốt vì rất nhiều lí do, đặc biệt là ở nơi làm việc. Xã hội cũng giống như một mạng lưới các mối quan hệ, nó đòi hỏi tất cả mọi người phối hợp làm việc với nhau để tạo ra kết quả tốt nhất. Những gì làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn chính là các mối quan hệ tích cực, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau

Tất cả mọi người cùng hướng về một mục tiêu chung, điều này đòi hỏi phải có mối quan hệ tốt dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau.

Nếu như bạn hiểu rõ mọi người muốn gì và tại sao họ lại muốn như vậy thì thường bạn sẽ tìm ra được cách để hai bên đều tiến triển cùng nhau. Cách tốt nhất để hiểu đó là lắng nghe và quan sát mà không cần đưa ra những phán xét vội vã.

Như thế nào là một mối quan hệ tốt đẹp ?

Trong một mối quan hệ tốt đẹp, các bên biết lắng nghe để hiểu rõ quan điểm và cảm xúc của nhau. Cách đơn giản nhất để biết điều gì là quan trọng với một người hay nhóm người là hỏi và sau đó lắng nghe câu trả lời của họ. Nếu bạn hiểu rõ người khác bạn sẽ biết cách làm gì để mọi người có thể thân thiện và làm việc với nhau hiệu quả hơn. Không chỉ có vậy các bên còn thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình. Con người rất phức tạp và phản ứng trước những sự việc hoàn toàn khác nhau do đó họ vẫn có thể ngạc nhiên về người kia ngay cả khi đã từng chung sống với nhau rất lâu.

Chúng ta cần nói những gì chúng ta cần và bày tỏ cảm xúc của mình hơn là chờ đợi người khác nhận ra chúng ta muốn gì rồi sau đó đợi họ mang đến cho chúng ta. Để cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp chúng ta nên tôn trọng bản thân cũng như người khác. Lòng tôn trọng là cốt lõi của mọi mối quan hệ tốt, nó được thể hiện bằng cách lắng nghe và tìm hiểu xem người khác đánh giá sự việc như nào. Việc phán xét dựa trên thành kiến là cách hoàn toàn đối lập với lòng kính trọng. Bạn có thể thể hiện sự tôn trọng người khác bằng cách thừa nhận rằng họ đã làm những gì tốt nhất có thể. Tôn trọng là nền tảng cho một mối quan hệ vững chắc do đó bạn nên tôn trọng bản thân mình cũng như những người khác. Nếu như bạn cảm thấy hài lòng với bản thân thì việc nhìn thấy những điểm tốt của người khác và tôn trọng họ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Một điều quan trọng khác để thiết lập mối quan hệ tốt đó là đương đầu trực tiếp với những điểm khác nhau giữa mọi người bởi vì chúng rất thú vị. Trong cuộc đối thoại mà mọi người đều lắng nghe nhau thì bạn sẽ phát hiện ra một sự thật mới giúp hoà nhập hai ý tưởng tranh cãi. Hãy cùng tìm ra giải pháp khiến cả hai bên đều cảm thấy mình chiến thắng. Nếu như cả hai phía đều cảm thấy đã thu được gì đó từ việc giải quyết những khác biệt, họ sẽ sẵn sàng hơn để tiếp tục hợp tác trong tương lai. Điều này sẽ xây dựng một mối quan hệ thoải mái và hài lòng.

Sau đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp :

1. Ít nhất phải có một bên quyết định rằng mối quan hệ là quan trọng.

Nếu như bạn quyết định rằng mối quan hệ với một ai đó là quan trọng, bạn sẽ đầu tư thời gian và sức lực để hiểu rõ những yêu cầu của họ cũng như cách giải quyết những khó khăn cản trở. Ngay cả khi bạn cố gắng nhưng thất bại, bạn biết rằng mình đã cố gắng hết sức và thấy thoải mái về điều đó.

2. Học cách lắng nghe một cách thật sự và đừng phán xét.
Lắng nghe một cách thật sự và không phán xét sẽ giúp bạn hiểu rõ người khác. Việc phán xét chỉ làm tăng khoảng cách và sự phòng vệ lẫn nhau.

3. Gặp gỡ mọi người một cách thân mật khiến họ cảm thấy thoải mái trong việc nêu ra những vấn đề quan trọng với họ.
Hầu hết mọi người cảm thấy thoải mái hơn trong những khung cảnh thân mật. Nếu bạn có ý định gặp ai với mục đích cụ thể là để phát triển mối quan hệ với họ, hãy nghĩ đến việc tổ chức cuộc gặp gỡ trong khung cảnh mà họ thấy thoải mái bởi vì khi thấy thoải mái, họ có thể nói nhiều hơn về những gì là quan trọng với mình.

4. Phát triển một văn hoá trong đó mọi người có thể bày tỏ cảm xúc của mình.
Các mối quan hệ được hình thành dựa trên việc chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc. Thật khó để hai người có một cuộc hội thoại hữu ích khi một người trong họ không nhận thấy rằng người kia tức giận vì những gì họ đã nói hoặc làm. Văn hoá công ty khuyến khích mọi người gần nhau có thể tạo ra niềm say mê để đạt được những điều tuyệt vời cùng nhau.

Một số khó khăn có thể gặp phải trong việc xây dựng mối quan hệ tốt:

+ Thiếu tin tưởng và khuôn sáo: Chúng ta thường nhận được những thông tin sai lệch về những người trong nhóm khác. Giữa các thành viên trong nhóm thường có nhiều khác biệt với nhau hơn là giữa các nhóm, nếu như chúng ta nghĩ rằng "tất cả mọi người đều như nhau" thì chúng ta đã sai lầm. Điều này sẽ huỷ hoại mối quan hệ vì mỗi cá nhân là duy nhất và họ muốn cảm thấy có những giá trị riêng.Khi sự khuôn sáo trở thành bệnh dịch, sự áp bức giữa nhóm này và nhóm khác trở nên phổ biến thì sẽ khiến những cảm giác tiêu cực bóp méo thái độ của họ.

+ Đổ lỗi cho người khác khi mối quan hệ không tốt đẹp: điều này thật vô ích, nó sẽ tạo ra khoảng cách và sự phòng vệ lẫn nhau. Nếu như không hài lòng về một mối quan hệ bạn nên nghĩ mình cần làm gì để cải thiện nó.Đồng thời việc thay đổi thái độ của bản thân dễ hơn nhiều so với việc thuyết phục người khác thay đổi.

+ Tập trung vào nhiệm vụ mà không quan tâm tới cảm xúc và nhu cầu của người khác: Mọi người đều có cảm xúc và họ mang những cảm xúc này vào công việc. Nếu như bạn bất chấp cảm xúc của người khác để hoàn thành nhiệm vụ thì những người giỏi nhất của bạn sẽ lần lượt rời bỏ bạn.Con người không phải là những cố máy, nếu bạn tôn trọng và hiểu họ, lắng nghe cảm xúc của họ, họ sẽ muốn cống hiến và làm việc tốt hơn.

+ Mục tiêu, vai trò, sự mong đợi lẫn nhau không rõ ràng: Nếu như chúng ta không biết mình cần gì ở người khác thì hiểu lầm là điều không thể tránh khỏi và mối quan hệ sẽ chịu hậu quả từ điều nay


Thư tìm việc (Cover Letter) chính là lời chào đầu tiên của bạn đối với Nhà tuyển dụng. Bên cạnh thể hiện khả năng viết thư của bạn, thư tìm việc còn giúp bạn cho Nhà tuyển dụng biết tại sao bạn quan tâm đến vị trí ứng tuyển và bạn có thể làm gì để đóng góp cho công ty họ.

Vì vậy, đừng để hồ sơ của bạn bị loại vì một lá thư tìm việc thiếu chăm chút. Hãy kiểm tra để chắc chắn thư tìm việc của bạn sạch những lỗi sau đây:

Lỗi 1: Phút đầu tiên mờ nhạt
Có rất nhiều ứng viên lúng túng trong việc “mở đầu câu chuyện” và chọn giải pháp an toàn là lấy nội dung in sẵn trong một bức thư mẫu. Điều này thường dẫn đến một thư tìm việc với mở đầu nhàm chán và hình ảnh của bạn mờ nhạt trước nhà tuyển dụng.

Bạn hãy xem hai mở đầu sau:
1.    Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Đại diện bán hàng 
2.    Công ty cần một Đại diện bán hàng xuất sắc và với 3 năm luôn đạt doanh số cao nhất, mang lại hàng trăm ngàn đô la, tôi tin rằng mình là ứng cử viên sáng giá cho vị trí trên.
Câu mở đầu nào ấn tượng với bạn hơn? Rõ ràng là câu thứ hai.

Lỗi 2: Thiếu chọn lọc những thành tích nổi bật
Thư tìm việc không phải là một bản tự truyện. Vì vậy bạn cần tránh kể tất cả về quá trình học tập và làm việc. Có thể ví thư tìm việc như một bức thư giới thiệu sản phẩm và sản phẩm ở đây chính là bạn. Hãy thể hiện những thành tích thật sự nổi bật khiến nhà tuyển dụng phải nhấc điện thoại gọi bạn mời phỏng vấn ngay sau khi đọc xong thư này. Để “giới thiệu sản phẩm” thành công, bạn cần chọn lọc và ghi cụ thể những thành tích nổi bật hay những điểm mạnh liên quan trực tiếp đến công việc bạn đang ứng tuyển.

Lỗi 3: Ru ngủ nhà tuyển dụng
Nếu thư tìm việc của bạn dài hơn 1 trang A4, bạn đang ru ngủ nhà tuyển dụng. 
Một bức thư cô đọng súc tích, tập trung vào những điểm mạnh của bạn phù hợp yêu cầu của vị trí tuyển dụng thể hiện rằng bạn tôn trọng thời gian nhà tuyển dụng dành cho bạn.

Lỗi 4: Thiếu vị trí ứng tuyển
Khi nhà tuyển dụng đọc thư tìm việc của bạn, họ cũng có thể phải kiểm tra hàng trăm thư tìm việc cho hàng loạt vị trí tuyển dụng khác nhau. Vì vậy, bạn cần ghi rõ vị trí bạn ứng tuyển trong thư tìm việc để tránh mất thời gian cho nhà tuyển dụng.

Lỗi 5: Thư tìm việc một-cho-tất-cả
Nếu bạn đang ứng tuyển nhiều vị trí, bạn cần thay đổi nội dung thư tìm việc sao cho phù hợp với tính chất và yêu cầu từng công việc. Đặc biệt là những phần cơ bản như câu mở đầu, tên công ty, vị trí ứng tuyển và người liên lạc.

Lỗi 6: Thiếu sự chủ động
Hãy thể hiện sự quan tâm và hào hứng đối với vị trí tuyển dụng bằng cách đề nghị liên lạc lại với nhà tuyển dụng. Thay vì yêu cầu nhà tuyển dụng gọi lại, bạn có thể chủ động hơn với: “Tôi sẽ liên lạc với anh/chị trong vài ngày tới để trả lời những thắc mắc liên quan nếu có. Trong thời gian này, anh/chị có thể liên lạc với tôi qua số điện thoại 09X XXXX XXX.”

Lỗi 7: Quên nói lời cảm ơn
Nhà tuyển dụng đã quan tâm và dành thời gian đọc thư của bạn vì vậy hãy thể hiện sự cảm kích với họ bằng một lời cảm ơn chân thành.


Sự thông minh là điều quan trọng tạo nên thành đạt cho một con người, nhưng khả năng kiềm chế cảm xúc mới là điều quan trọng nhất. Bởi những hành vi bốc đồng, khả năng tập trung và cưỡng lại ham muốn nhất thời cũng như sự chấp nhặt, tức giận, bất ổn… trong quan hệ giao tiếp có tác động rất lớn đến mức thu nhập và địa vị xã hội.

Khả năng thành công trong cuộc sống của mọi người đều tăng nếu chúng ta cải thiện mức độ tự kiềm chế của bản thân.

1. Cảm xúc trong quan hệ giao tiếp.

Cảm xúc là "chất keo" kết nối mọi người với nhau, là nền tảng để bạn hiểu chính mình và liên quan đến khả năng giao tiếp với những người khác. Khi bạn nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của bạn, bạn có thể suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo, quản lý sự căng thẳng, tạo nên tự tin và dễ dàng giao tiếp tốt với người khác. Nhưng không kiềm chế được cảm xúc, bạn sẽ nhầm lẫn, cô lập và nghi ngờ. Bằng cách học để nhận biết, quản lý và đối phó với cảm xúc của bạn, bạn sẽ tận hưởng nhiều hạnh phúc hơn và có nhiều mối quan hệ tốt hơn.

Cảm xúc của bạn giúp bạn:
  • - Nhận biết bạn là ai: những gì bạn thích, những gì bạn không thích và những gì bạn cần.
  • - Hiểu và cảm thông với người khác
  • - Giao tiếp rõ ràng và hiệu quả, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và bổ ích
  • - Quyết đoán hơn: Có được quyết định dựa trên những điều quan trọng nhất với bạn.
  • - Có động cơ và hành động để đạt được mục tiêu
Với những người có khả năng nhận thức cảm xúc tốt, họ nhận ra và hiểu cảm xúc của riêng họ, họ sẽ tự động tìm thấy và đọc các tín hiệu không lời khi giao tiếp với người khác dễ dàng. Điều này giúp họ thành công hơn trong công việc và trong các mối quan hệ gia đình cũng như xã hội của họ.

2. Luyện tập cách kiềm chế cảm xúc

Gặp những tình huống khó khăn, bạn đừng vội vàng quyết định bất cứ điều gì, hãy cố gắng tìm một không gian yên tĩnh để trấn tĩnh lại. Bởi mọi quyết định vội vàng của bạn sẽ chỉ làm mọi chuyện khó khăn thêm. Đối với người khó tính hay chấp nhặt thường bị bực dọc, bất ổn hơn người cởi mở, dễ hòa đồng. Vì thế, cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Đừng bao giờ chỉ nhìn nhận vấn đề theo một hướng, để rồi bạn sẽ chỉ nhận thấy sai lầm ở người khác mà không nhận ra những hạn chế ở chính mình.

Khi trái tim bị tổn thương, tâm trạng của bạn có thể rất căng thẳng. Hãy thư giãn để tinh thần được thoải mái, giảm stress và phiền muộn, ngủ đủ, ăn những thực phẩm tốt cho sức khoẻ và tập thể dục thường xuyên.

Một số người nhận thấy rằng chia sẻ cảm xúc của mình với những người họ tin tưởng sẽ giúp họ dễ chịu hơn… Trong cuộc sống thực tế, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm giải tỏa phần lớn cảm xúc ưu tư lo lắng nhờ viết nhật ký. Giống như vậy, khi đã biết cách viết nhật ký ra giấy ta cũng có thể học cách tự "viết ra" trong tâm trí của mình những cảm xúc... và "đọc" nó, nghĩa là "dõi theo" nó. Đó chính là lắng nghe tiếng nói bên trong để nhận biết và hiểu rõ cảm xúc bản thân. Khi bạn đã quen với cách "viết ra" này, bạn sẽ giải tỏa được những ưu tư mơ hồ, sự nhận thức cảm xúc của bạn bắt đầu càng lúc càng tập trung hơn vào giá trị chân thực của chính sự việc. Bạn sẽ biết những gì bạn đang cảm thấy mà không cần phải nghĩ về nó. Khi tín hiệu cảm xúc của bạn trở nên đủ mạnh, bạn nhận ra tức thì một điều gì đó quan trọng đang xảy ra và chuyển sự tập trung của bạn để có hành động phù hợp.

Nhận thức để kiềm chế cảm xúc là một kỹ năng, có nghĩa là với sự thực hành bạn sẽ học được nó. Điều ngạc nhiên là rất ít người có thể dễ dàng trả lời câu hỏi: "Bạn ĐANG trải qua cảm xúc như thế nào?" – Nếu những cảm xúc như căng thẳng, tức giận, buồn bã, sợ hãi, ghê tởm... được bạn nhận biết ngay lúc nó xảy ra trong tâm trí của mình thì sự việc có thể đã khác. Nhưng thường thì chúng ta để cảm xúc trôi qua, chỉ khi cảm xúc đó gây ra hậu quả thì ta mới hối tiếc! "Phải chi lúc đó tôi đừng quá nóng giận…"

Biết kiềm chế cảm xúc không chỉ để thành công trong giao tiếp mà nó còn giúp bạn luôn cảm thấy cuộc sống này tươi mới và hạnh phúc hơn!



Là lãnh đạo, sếp không thể gặp từng nhân viên để hướng dẫn, chỉ dạy nên làm gì, làm như thế nào. Trong thực tế, sếp thường đưa ra những lời nhắc nhở tinh tế mà đơn giản. Bạn cần chú ý để hiểu và làm theo ý sếp.
Dưới đây là một số cách “giải mã” lời sếp:

Không giao việc vẫn làm

Tình huống: Bạn đang sắp xếp đồ đạc để về sớm thì sếp xuất hiện, giao việc cho một đồng nghiệp vào giờ chót, bắt phải hoàn thành ngay.

Bạn phải làm gì? Hãy ở lại giúp đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc nhóm và sẵn sàng làm dù sếp không yêu cầu của bạn chắc chắn sẽ được đánh giá cao. Hơn nữa, bạn còn chiếm được cảm tình của người đồng nghiệp nữa.

Nhanh ý

Tình huống: Sếp vừa “giũa” cho đồng nghiệp của bạn một trận te tua vì đã phát hành một ấn bản có quá nhiều lỗi chính tả.

Bạn phải làm gì? Sếp không mắng bạn, nhưng người nhanh ý và thông minh là người biết sửa mình từ cái sai của người khác. Nhân chuyện đồng nghiệp mắc lỗi, tại sao bạn không xem lại bản thân mình?

Sếp đã mắng đồng nghiệp trước mặt bạn, tức là sếp muốn ngầm bảo rằng: “Tôi đang nhắc nhở cả anh nữa đấy. Hãy làm việc cho cẩn thận”.

Tự nhận lỗi

Tình huống: 3 giờ 30 chiều thứ Sáu, bạn bị bắt tại trận đang chơi games trên mạng sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tuần. Sếp không nổi cáu hay tỏ ra khó chịu, chỉ cười nhẹ và hỏi bạn đánh có thắng không.

Bạn phải làm gì? Đừng thấy sếp không nói gì mà tưởng hay, lại “cứ thế phát huy”. Đừng nghĩ sếp hỏi han chuyện thắng thua mà nghĩ sếp cũng là “kẻ đồng lõa”, thích chơi games trong giờ làm việc.

Khôn ngoan ra thì đừng bao giờ tái phạm lỗi này lần nữa, hoặc ít ra là đừng bao giờ để sếp bắt gặp lần thứ hai. Vì lần sau, lời lẽ và thái độ của sếp sẽ không “êm đẹp” như lần đầu đâu.

Suy nghĩ sáng tạo

Tình huống: Bạn được yêu cầu tham gia buổi thảo luận để tìm ra cách thức quảng cáo sản phẩm mới nhất của công ty sao cho thật “bắt mắt”.

Bạn phải làm gì? Những buổi họp như thế này là cơ hội tuyệt vời để nhìn nhận những vấn đề cũ từ một góc nhìn mới bằng trò chơi từ ngữ hoặc đơn giản là lắng nghe. Hãy tham gia với tinh thần mở và hỗ trợ ý kiến của người khác một cách khuyến khích, không chỉ trích, phê bình. Sếp chị định bạn tham gia tức là sếp mong mỏi sẽ nhận được ý kiến nào đó từ bạn.

Cải thiện chứ không chê bai

Tình huống: Bạn và đồng nghiệp đang tụ tập chỉ trích chiến dịch quảng cáo mới của công ty thì sếp xuất hiện.

Bạn phải làm gì? Lần sau, thay vì ngồi một chỗ chễ giễu, chê bai, hãy suy nghĩ để đưa ra giải pháp cải thiện tình hình và đưa ra những chiến lược thay thế. Sau đó, thảo luận những chiến lược tiềm năng với đồng nghiệp và cân nhắc những điểm được và chưa được trong ý kiến của bạn. Khi đã “sàng lọc” kỹ càng kế hoạch, hãy viết nó ra giấy và trình ban giám đốc. Có thể họ không hoàn toàn đồng ý với giải pháp của bạn, nhưng chắc chắn họ sẽ đánh giá cao sự tận tụy của bạn.

Nhiệm vụ khó khăn

Tình huống: Sếp nhắc bạn về sự quan trọng của một trong những nhiệm vụ của bạn.

Bạn phải làm gì? Nghiêm túc lưu ý mối quan tâm của sếp và cùng sếp bàn bạc về đường lối cùng các kỳ vọng. Khi bạn chắc chắn sẽ có những gì bạn cần, hãy sắp xếp lịch trình ưu tiên để có được sự tập trung đúng đắn với nhiệm vụ.



Những ngày đầu đi làm thật sự khá khó khăn để bạn làm thân với mọi người cũng như bắt nhịp guồng quay của công việc. Bạn lo sợ mình sẽ bị kênh so với những nhân viên khác. Một vài chiêu thức sau sẽ giúp bạn lật ngược tình thế.

Gây ấn tượng với người khác

Bằng cách làm cho họ nhớ tên của bạn ngay tức khắc. Đây là một cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Có thể bạn cho rằng để gây ấn tượng với sếp hay với đồng nghiệp bạn cần có một kết quả công việc lớn lao hoặc chí ít thì bạn cũng phải là người có năng lực vượt trội cộng với vài tài lẻ trời cho. Tuy nhiên, đó là khi bạn làm việc được một thời gian dài, thời gian ấy sẽ là điều kiện để bạn phát triển tài năng tiềm ẩn. Hiện giờ, bạn mới chập chững những bước đầu tiên thì hãy làm mình nổi bật với bằng những điều đơn giản nhất. Đó là nụ cười, cái tên, cách bạn quan tâm tới mọi người hoặc chí ít là cách bạn xin chào và tạm biệt mỗi khi ra về.

Tập trung vào công việc

Những ngày đầu tiên đi làm có thể bạn sẽ thấy thật khó khăn để làm quen với công việc mới tuy nhiên mọi thứ sẽ tốt dần lên nếu bạn tập trung cao độ vào nó. Lắng nghe những lời hướng dẫn của “tiền bối” và nhìn nhận cách các “tiền bối” thao tác công việc rồi rèn luyện. Trong giai đoạn làm quen thì kỹ năng nghe, nhìn và thực hành là ba trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn bắt nhịp thành công tiến độ của công việc. Vì vậy, sử dụng triệt để đôi tai, đôi mắt và đôi tay là việc làm vô cùng cần thiết.

Thêm vào đó, cố gắng đừng để bị phân tán tư tưởng bởi những việc không tên như chuyện phiếm, chuyện đời tư…Đây là khoảng thời gian bạn cần huy động toàn bộ tâm lực để xây dựng cho mình những nền móng kiến thức vững chắc nhất, làm tiền đề cho sự phát triển sau này.

Trực tiếp trao đổi với người giám sát

Mọi thắc mắc của bạn cần được giải thích một cách cặn kẽ vì vậy trực tiếp trao đổi với người giám sát là cách làm hiệu quả cần được ứng dụng. Bạn biết đấy, khi bạn không hiểu tính chất công việc thì thật khó để bạn có thể hoàn thành nó một cách trọn vẹn và như ý. Vì vậy, trao đổi và nhờ sự giúp đỡ của người giám sát là cách làm thông minh không chỉ giúp bạn giải tỏa khúc mắc mà còn giúp bạn học hỏi được kinh nghiệm từ người đi trước. Đây là cơ hội để bạn bắt kịp tiến độ công việc cũng như nhanh chóng làm thân với mọi người trong công ty.

Tham gia các hoạt động sau giờ làm (nếu có)

Các hoạt động trong công ty bao gồm có tổ chức và tự do. Nếu công ty của bạn có những câu lạc bộ như bóng đá, bóng chuyền…hay bất kỳ một bộ môn thể thao nào hãy tích cực tham gia. Việc này không chỉ giúp bạn nâng cao sức khỏe, giảm stress mà còn là cơ hội để bạn gặp gỡ nhiều đồng nghiệp ở nhiều phòng ban khác nhau. Bạn có thể trau dồi được nhiều kinh nghiệm, làm thân với nhiều người khi cùng họ tham gia các hoạt động ngoài giờ làm.

Nếu công ty của bạn thiếu vắng những câu lạc bộ thì bạn vẫn có thể phát triển quan hệ với đồng nghiệp qua những buổi đi chơi riêng sau giờ làm. Một quán nước, quán cafe…cũng sẽ trở thành địa điểm lý tưởng để bạn thu hẹp khoảng cách với mọi người cũng như thoải mái chuyện trò về nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội. Một thực tế là rằng, bạn sẽ học được nhiều hơn khi va chạm thực tế và đồng nghiệp cũng sẽ trở nên dễ gần hơn khi ra khỏi tòa nhà công ty. Vì vậy, những buổi hội họp ngoài giờ làm việc cũng là một trong những cách làm hiệu quả để bạn bắt kịp với nhịp độ công việc mới.



Điều gì chúng ta sẽ nghĩ đến đầu tiên khi bắt đầu công việc mới? Đồng nghiệp? Không! Giám đốc? Cũng không! Tiền? Tất nhiên!

Vậy phải làm điều gì để có được mức lương như mong muốn ngay trong ngày đầu phỏng vấn. Hãy nghe theo một số lời khuyên sau đây:

1. Chỉ ra những kinh nghiệm mà bạn đã có
Hãy đưa ra những kinh nghiệm của bạn để cho người tuyển dụng biết được lý do chính xác tại sao bạn lại phù hợp với vị trí này. Nắm kinh nghiệm trong tay là một công cụ đắc lực cho việc thương lượng mức lương

2. Đưa ra những con số
Chỉ ra công việc của bạn vẫn chưa đủ. Bạn phải chỉ ra rõ những việc mà bạn đã hoàn thành. Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng trong 6 tháng bạn đã góp phần làm tăng doanh thu lên 20% và tăng gấp đôi số lượng sản phẩm.

3. Đừng hỏi về lương lậu
Hãy để nhà tuyển dụng mở đầu trước. Đây là bước đầu tiên để đẩy mức lương đi xa hơn sau khi bạn chắc chắn đã được nhận vào vị trí đó. Việc đàm phán sẽ trở nên dễ dàng hơn nhất nhiều khi bạn biết được công ty đã bắt đầu cần bạn.

4. Tỏ ra thích thú với vị trí mới
Động lực chính là chìa khoá vàng cho năng suất lao động tốt. Thể hiện một tình cảm chân thành cùng một khuôn mặt hạnh phúc để cho người tuyển dụng thấy rằng chế độ tiền lương hợp lý là rất phù hợp với một người nhiệt huyết như bạn.

5. Hình dung ra bản thân bạn với công việc mới
Đây là một mẹo nhỏ. Hình dung về công việc mới là cách tuyệt nhất để khiến mọi việc hoàn thành trôi chảy hơn.

6. Đừng mang cuộc sống cá nhân vào trong lời đàm phán
Tiền lương chỉ phụ thuộc vào mục tiêu của công ty và tiềm năng của bạn trong mọi công việc. Vì vậy đừng mang những chuyện bộn bề, nhà cửa, con cái ra để đòi hỏi một mức lương cao, nó sẽ không hiệu quả đâu.

7. Nghiên cứu về vị trí công việc
Khi bạn bước vào căn phòng, bạn phải biết từ A đến Z, những yêu cầu của công việc, kỹ năng, mức lương trung bình hay nhu cầu của thị trường. Sử dụng tất cả hiểu biết này để góp thêm vào tài sản hiểu biết của bạn để sẵn sàng đánh trả lại những quả bóng do bên tuyển dụng ném lại.

8. Biết về giá trị của bản thân
Khi được hỏi về bản thân, hãy nói những gì bạn đã làm được ở công việc cũ, và những gì bạn được trang bị là hết sức cần thiết cho thời đại này. Chứng minh rằng mức lương được trả là phù hợp với kỹ năng của bạn, và hãy sử dụng khả năng của mình là công cụ để thoả thuận mức lương.

9. Biết được mức lương thấp nhất mà bạn mong muốn
Nhà tuyển dụng hi vọng được đàm phán mức lương với nhân viên mới, nên đã chỉ ra mức lương thấp nhất có thể có. Nếu bạn biết là mức lương mong muốn của mình quá cao so với mặt bằng mức lương, đừng ngại và hỏi về ý kiến của người tuyển dụng hoặc giảm lời đề nghị xuống một chút.

10. Luôn chuẩn bị với những nguồn khác ngoài lương
Tỉ lệ hoa hồng, thu nhập lợi tức.. có thể là những nguồn mà bạn có thể kiếm được ngoài những nguồn thu nhập chính. Vì vậy hãy cân nhắc để đưa ra mức lương hợp lý.

11. Không lo sợ để giành chiến thắng.
Hãy chỉ ra cho họ thấy bạn không lo sợ khi không được tuyển dụng vào vị trí này. Điều này chứng tỏ sẽ có nhiều nơi cần bạn. Hãy tỏ ra rằng bạn không cần việc làm này lắm, chính điều đó sẽ giữ bạn lại.

12. Rao bán mình
Nhà tuyển dụng tìm kiếm để mua một nhân viên hoàn hảo cũng giống như bạn đi mua hoa quả. Bạn muốn mua đồ thật tốt ở cái giá thấp nhất. Hãy giúp họ hình dung về những khả năng của bạn, đó là những lý do chính mà họ nên tuyển bạn.

13. Thoải mái, tự nhiên trước nhà tuyển dụng
Đừng đặt lời đàm phán vào vị trí “sống hay chết”. Hãy trao đổi như một người bạn. Điều đó có thể làm cho bạn ngạc nhiên vì sự tiếp thu ý kiến của nhà tuyển dụng.

14. Luôn bình tĩnh
Điều cuối cùng mà giám đốc tương lai của bạn muốn là nhìn thấy thái độ của bạn khi không đạt được điều mong muốn. Hãy chứng minh để họ thấy những tiềm năng của bạn, dù có thể không đạt được điều này ngay lúc này nhưng chắc chắn họ sẽ cân nhắc cho lần tăng lương sắp tới.

15. Đừng quá coi trọng khi bác bỏ lời đề nghị ban đầu
Lời đề nghị đầu tiên từ phía nhà tuyển dụng có thể là điều mà bạn đang tìm kiếm. Nhưng nếu nó không phải, hãy im lặng và thể hiện sự lưỡng lự, nhà tuyển dụng sẽ phải phá vỡ sự im lặng bằng mức lương cao hơn.

16. Hãy luôn linh động trong giờ giấc
Có thể ông chủ mới không sẵn sàng tuyển dụng bạn cho vị trí này, hãy hỏi thêm về vị trí part-time, làm việc tại nhà, hay bất cứ một giờ giấc nào khác.

17. Đoán trước về lợi nhuận có thể có.
Nếu bạn không đạt được mức lương mong muốn, đừng vội thất vọng vì có thể công ty còn có những khoản thu nhập khác. Hãy hỏi thêm về việc thăng chức hay kỳ hạn tăng lương.

18. Chứng minh rằng bạn là người phù hợp nhất với công việc này.
Rút cục thì nhà tuyển dụng vẫn muốn nhìn thấy tương lai của nhân viên mới. Hãy chứng minh cho họ thấy việc tuyển dụng bạn là không hề sai lầm.

Đạt được mức lương mong muốn không chỉ là việc có thêm thu nhập để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày mà còn là sự khẳng định về khả năng của mình. Vì vậy, hãy hết sức cân nhắc.




15 bước dưới đây sẽ giúp bạn thành công mỹ mãn trong việc thuyết phục đối tác đồng ý với dự án của cá nhân bạn.

1. Tạo sự tin tưởng. Để tiếp cận và chiếm được sự tin tưởng của người khác không hề đơn giản. Khéo léo thôi không đủ, bạn còn cần phải chân thành nữa. Nếu muốn người khác ủng hộ phương án của mình, trước tiên hãy cho họ biết tại sao họ nên nghe bạn, và chứng minh cho họ thấy đó là phương án khả thi nhất.

2. Tìm điểm tương đồng. Những "tư tưởng lớn" thường vẫn hay gặp nhau. Do đó hãy thể hiện cho người nghe thấy ý tưởng của bạn rất "ăn khớp" với họ hoặc chí ít thì cũng "dính dáng" nhiều đến công việc của họ. Tốt nhất bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ, thấu hiểu những lo lắng của họ và biết cách chia sẻ. Khi đã thấy bạn cùng "thuyền" với họ, chắc chắn lòng tin từ đó sẽ hình thành.

3. Lập luận rõ ràng. Cho dù đó là bài thuyết trình, một buổi gặp gỡ giới thiệu sản phẩm hay gì chăng nữa thì hãy cố gắng để mọi lập luận của bạn thật mạch lạc. Hãy bắt đầu sao cho ai cũng muốn nghe bạn nói tiếp. Hãy kết thúc sao cho những gì bạn nói sẽ để lại ấn tượng lâu dài trong tâm trí người nghe. Lặp lại những lập luận quan trọng nhất sẽ khiến người nghe chú ý và dễ nhớ hơn.

4. Thể hiện cả ưu nhược điểm. Không một ý tưởng nào thật sự hoàn hảo. Người nghe sẽ thấy bạn công bằng và có lý hơn nếu bạn đề cập đến cả phần ưu lẫn nhược điểm của một vấn đề. Quan trọng là bạn phải biết cách nhấn mạnh ưu điểm và chỉ sơ qua các nhược điểm để đối tác thấy rằng những cái vượt vẫn đang vượt trội. Đừng "múa rìu qua mắt thợ" khi đưa ra quá nhiều ưu điểm hoặc nối dối về nhược điểm vì người bị hại sau cùng sẽ là bạn chứ không phải người nghe.

5. Khơi gợi tính tư lợi. Sẽ thuyết phục hơn nếu người nghe nhận thấy họ được gì từ ý tưởng của bạn. Hãy tìm hiểu và nắm chắc mong muốn của họ và chứng minh ý tưởng ấy sẽ thỏa mãn được mong muốn đó.

6. "Tâng bốc" có chiến luợc. Khen người khác có quá đôi chút cũng chẳng hại gì mà đôi khi còn giúp bạn thu được những thành quả "ngoài sức tưởng tượng." Thử tìm hiểu sở trường, sở thích của đối tác - tennis hay bóng đá hoặc sưu tập đồ cổ và cứ thế mà "tán" thêm. Những câu chuyện ngoài lề khiến người nghe thấy họ được đánh giá cao, được quan tâm và tất nhiên sẽ cởi mở hơn để bạn dễ thực hiện tiếp chiến lược thuyết phục của mình.

7. Thể hiện tính chuyên gia. Nhìn chung thì cái gì chuyên gia nói cũng đương nhiên đúng. Sao lại không thể hiện cho người nghe biết ý tưởng của bạn cũng giống giống và được chuyên gia trong lĩnh vực đó đồng tình, tán thưởng?

8. Tạo sự nhất trí. Hầu hết mọi người đều tán thành theo số đông. Do đó bạn cần cho người khác biết ý tuởng của mình đã thành công ở những đâu và được nhiều người ủng hộ như thế nào. Nếu có một vài tên tuổi ủng hộ bạn thì phần thắng với bạn sẽ còn cao hơn.

9. Chọn thời điểm. Người ta đã nói cái gì thành công cũng phải được cả "thiên thời địa lợi." Do đó, việc đưa ra ý tưởng của mình vào thời điểm nào rất cần ở bạn sự khéo léo và cả giác quan thứ sáu. Tránh tiếp cận, yêu cầu khách hàng trong thời gian họ căng thẳng, lo âu hoặc đau khổ. Học cách phán đoán tâm trạng để biết lúc nào đối tác cảm thấy tự tin, an toàn để tiếp cận ý tưởng của bạn.

10. Độc đáo. Cái gì càng hiếm thì càng sáng giá. Người nghe sẽ để tâm hơn nếu họ thấy rằng ý tưởng của bạn là độc đáo, là hiếm thấy hoặc có rất nhiều công ty đang muốn mua sáng kiến của bạn với giá cao.

11. Tự tin. Để thuyết phục người khác tin vào ý tưởng của mình thì trước tiên bạn cần phải tin vào bản thân và biết cách thể hiện sự tự tin đó. Chỉ cần thể hiện một chút băn khoăn là bạn đã mất điểm trước người khác rồi. Bản thân bạn chính là người ủng hộ lớn nhất của bạn và vì vậy hãy tin vào chính khả năng của mình.

12. Tạo sự thú vị. Nếu cuộc nói chuyện hoặc bài thuyết trình của bạn chỉ có "à với ầm" thì chắc chắn đó sẽ là liều thuốc ngủ tuyệt vời cho thính giả và cơ hội được gặp lại họ sẽ rất hiếm hoi. Bạn cần thể hiện ý tưởng, dự án của mình một cách sinh động với toàn bộ nhiệt huyết và cả sự hài hước nếu có thể để thu hút người khác. Đừng quên dùng những hình ảnh trực quan sinh động, những ví dụ thật ngoài đời để tăng tính thuyết phục và hấp dẫn cho những gì mình muốn nói.

13. Thể hiện sự hợp lý. Nếu thấy hợp lý, người nghe sẽ kiên trì ngồi nghe. Trong kinh doanh, yếu tố logic được đánh giá rất cao, vì vậy hãy thể hiện ý tưởng một cách thật logic.

14. Cư xử đúng mực. Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn được người khác đối xử. Lối nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn sẽ dễ đi vào lòng người hơn sự bộp chộp hoặc lớn tiếng.

15. Khiêm tốn. Không ai ưa kẻ ngạo mạn. Dù biết rằng ý tưởng của bạn ""hơn đứt" người khác thì cũng không nên kiêu căng kẻo cuối cùng lại "chỉ còn mình ta với ta." Bạn cũng không nên quá cầu toàn khi cho rằng có thể thuyết phục người khác ngay lập tức. Hãy thực tế và học cách chấp nhận rằng bạn có thể bị... từ chối.



Xung đột nảy sinh trong công việc là điều chẳng làm bạn phải ngạc nhiên. Những con người khác nhau với những mục đích và nhu cầu hoàn toàn khác nhau luôn dễ dẫn đến xung đột. Kết quả của xung đột có thể dẫn đến thù oán lẫn nhau.

Tuy nhiên xung đột có thể là động lực của sự phát triển. Nếu biết giải quyết chúng một cách khoa học thì biết đâu chúng là một trong những động lực mang tính đột phá cho doanh nghiệp của bạn.

Để giải quyết thành công xung đột nảy sinh trong công việc là điều không hề đơn giản nó đòi hỏi bạn phải nhận biết một cách chính xác nguồn gốc nảy sinh xung đột và đưa ra hướng giải quyết hợp lý.

Giải quyết tốt xung đột sẽ dẫn đến các kết quả sau:

Tăng cường hiểu biết: Thảo luận là một phương pháp nhanh nhất giải quyết xung đột, hãy để họ nói về những suy nghĩ của mình, nếu bạn là người cầm trịch thì hãy cố gắng hiểu họ một cách thật khách quan, hơn nữa hãy cho họ biết rằng họ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của họ cũng như mục tiêu của tổ chức mà không cần "đụng chạm” đến người khác vì trong công ty của bạn thành tích luôn được nhận biết và đánh giá một cách khoa học.

Tăng cường sự liên kết: Một khi xung đột được giải quyết hiệu quả, họ sẽ thấu hiểu nhau hơn về tình cảm, sở thích, hoàn cảnh…, điều này tạo cho họ niềm tin vào khả năng làm việc nhóm cũng như cùng hướng đến mục tiêu của tổ chức.

Nâng cao kiến thức bản thân: Xung đột đẩy những cá nhân phải nỗ lực hơn để nhanh chóng vượt qua "đối thủ” của họ, giúp họ hiểu những vấn đề thật sự quan trọng nhất đối với họ, và hướng họ đến thành công nhanh hơn.

Tuy nhiên, nếu xung đột không được giải quyết một cách có khoa học và hiệu quả, chúng có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Xung đột có thể nhanh chóng dẫn đến sự thù hằn cá nhân. Công việc của nhóm bị phá vỡ, tài năng bị bỏ phí, và dễ kết thúc bằng việc phản đối và đổ lỗi lẫn nhau và những điều này rất không có lợi cho công ty của bạn.

5 dạng xung đột

Cạnh tranh: Tuýp người này luôn hướng đến việc cạnh tranh để có một vị trí tốt hơn công ty, họ biết họ muốn gì. Họ thường bắt đầu khởi nghiệp từ một người có quyền lực, họ bị lôi kéo bởi chức vụ, địa vị xã hội, họ thông minh, và có tầm nhìn. Tuýp người này có thể hữu ích trong trường hợp khẩn cấp và cần có một quyết định tức thì. Nhưng khi họ ra quyết định không phù hợp thì họ tìm mọi cách biện hộ cho mình một cách ích kỷ và rất dễ đến xung đột. Tuy nhiên họ lại cảm thấy không bằng lòng, cảm thấy chán nản khi phải làm những công việc không có sự thử thách.

Cộng tác: Tuýp người này hướng đến việc cố gắng dung hòa và thừa nhận rằng tất cả mọi người đều quan trọng như nhau. Tuýp người này rất hữu ích khi bạn cần kết hợp những quan điểm của mọi người để đưa ra một giải pháp tốt nhất mà mọi người đều cảm thấy hài lòng; khi đã có sự xung đột trong nhóm từ lâu; hoặc khi bạn gặp một trường hợp rất quan trọng mà chỉ có thể giải quyết bằng sự thoả hiệp giữa các thành viên.

Thoả hiệp: Tuýp người này hướng đến việc thoả hiệp nhằm cố gắng tìm ra một giải pháp để thỏa mãn tất cả mọi người. Người bị thỏa hiệp phải từ bỏ một thứ gì đó khi thoả hiệp, và người thoả hiệp cũng phải từ bỏ một điều gì đó. Sự thoả hiệp có thể hữu ích khi sự xung đột trong nhóm trở nên nghiêm trọng, khi việc cân bằng sự đối lập là bế tắc.


Thích nghi: Tuýp người này sẵn sàng đối mặt với việc đánh đổi những nhu cầu họ đang có để đạt được những nhu cầu khác, họ dễ dàng chấp nhận sự thuyên chuyển công tác. Họ biết khi nào thì cần nhượng bộ người khác. Những người này không có tính quyết đoán nhưng lại có tính hợp tác cao. Họ xem trọng hoà bình hơn là sự chiến thắng.

Ngăn ngừa: Tuýp người luôn lẫn tránh xung đột và xung đột. Họ là mẫu người thực thi các quyết định, không ý kiến và không muốn đụng chạm đến ai. Họ thích hợp làm những công việc ít mang tính ganh đua, tranh luận đối với họ là việc rẻ tiền. Vì vậy, đây là một tuýp người tỏ ra rất yếu thế.

Điều quan trọng là bạn phải nhận ra từng loại tuýp người này trong công ty của bạn, bạn có thể sử dụng chúng chỉ khi nào bạn nghĩ đó là hướng giải quyết tốt nhất vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn cũng có thể giải quyết chúng theo bản năng, kinh nghiệm của mình và học cách làm sao thay đổi phương pháp giải quyết nếu cần thiết.

Phương pháp giải quyết xung đột

Giữ tốt mối quan hệ là điều quan tâm hàng đầu: Chắc rằng bạn đối xử lịch thiệp và điềm đạm với mọi người, xây dựng văn hóa tôn trọng lẫn nhau và tránh để mọi người cảm thấy bị áp lực trong mối quan hệ hàng ngày.

Tách vấn đề ra khỏi con người: Điều này giúp bạn có một cuộc tranh luận sôi nổi mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các đồng nghiệp với nhau.

Chú ý đến những lợi ích hiện có: Bằng việc lắng nghe một cách cẩn thẩn bạn sẽ hiểu được tại sao mọi người chấp nhận vị trí hiện tại của họ.

Hãy lắng nghe trước khi nói: Để giải quyết một vấn đề một cách hiệu quả bạn cần phải lắng nghe để hiểu được họ đang mong muốn mình sẽ được gì sau khi kết thúc chuyện này.

Đưa ra "sự việc”: Đồng ý và thiết lập mục tiêu, những yếu tố đáng lưu ý sẽ tác động lên quyết định.

Đưa ra nhiều lựa chọn: Đưa ra ý kiến về những sự lựa chọn đó và cùng nhau bàn luận.

Bằng việc làm theo những phương pháp trên, bạn có thể giải quyết xung đột trong sự bình tĩnh và lịch sự. Điều này giúp bạn ngăn ngừa sự phản đối và đối lập có thể dẫn đến "ẩu đả” trong công ty của bạn.

Các bước giải quyết xung đột
Dựa trên những lý luận ở trên, điểm đầu tiên khi đối diện với những xung đột là bạn phải nhận ra loại xung đột đang mắc phải. Theo thời gian, khả năng tự giải quyết xung đột sẽ trở nên hiệu quả và nhanh chóng. Việc nhận ra được dạng xung đột là rất quan trọng, tuy nhiên cần phải hiểu được từng loại xung đột sẽ khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Hãy nhìn vào khía cạnh bình thường nhất và nghĩ về dạng xung đột có thể xảy ra tương ứng. Sau đó sử dụng lần lượt các bước sau đây để giải quyết:

Bước 1: Thiết lập một bức tranh tổng quát
Tùy tình huống có thể xảy ra, bạn có thể ứng dụng phương pháp IBR hay một phượng pháp nào đó của riêng bạn. Nhưng bạn phải bảo đảm rằng bạn hiểu được bản chất của xung đột cũng như những vấn để liên quan đến chúng, mẫu thuẫn có thể được giải quyết tốt thông qua thảo luận, đối thoại hơn là tranh chấp nóng nảy. Nếu vấn đề cần giải quyết có liên quan đến bạn thì phải luôn tự nhắc nhở mình phải bình tĩnh không thiên vị cho cá nhân nào. Sử dụng kỹ năng nghe để đảm bảo rằng bạn nghe và hiểu được những quan điểm của họ.
  • * Trình bài lại những vấn để đã nghe
  • * Làm đơn giản vấn đề
  • * Tóm tắt lại toàn bộ những gì đã biết
Và phải bảo đảm rằng khi nói, bạn phải dùng một thái độ thật bình tĩnh và mang tính xây dựng chứ không phải bằng một giọng điệu khiêu khích, moi móc…

Bước 2: Tập hợp những thông tin đã có
Bây giờ bạn cẩn phải làm nổi bật lên lợi ích, nhu cầu cũng như điều bạn lo lắng bằng cách hỏi những người xung quanh về vấn đề mà bạn đang phải đối mặt, phải bảo đảm rằng bạn đang tôn trọng những ý kiến đóng góp của họ cũng như mong muốn họ góp phần trong việc giải quyết chúng. Cố gắng hiểu động lực và mục đích của họ cũng như hành động tiếp theo của bạn sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào. Bạn phải luôn đặt ra những câu hỏi như: Hành động của bạn sẽ có tác dụng như thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng đến khách hàng ra sao? Nó có cản trở công việc của công ty hay không?...Và bạn phải luôn tự nhắc mình không để những tình cảm cá nhân liên quan trong khi giải quyết vấn đề.
  • * Lắng nghe và hiếu được những quan điểm của những người xung quanh
  • * Nhận dạng vấn đề rõ ràng và chính xác
  • * Duy trì tính linh họat
  • * Phân biệt những luồng tư tưởng
Bước 3: Kiểm định lại vấn đề 
Bước 3 cũng giống như bước 2 ở trên, bạn lần lượt nhìn lại những gì bạn xác định và hãy kiểm định xem chúng có thật sự chính xác chưa? Sự phân biệt các dạng xung đột khác nhau sẽ dẫn tới việc chọn ra hướng giải quyết khác nhau.

Bước 4: Phát thảo hướng giải quyết có thể có
Một giải pháp thật sự hiệu quả khi chúng thỏa mãn được yêu cầu của số đông. Cho nên, phát thảo những giải pháp có thể có là một phương pháp hiệu quả tạo điều kiện cho mọi người tham gia đóng góp giải pháp của mình.

Bước 5: Thương lượng để tìm ra giải pháp
Xung đột chỉ thật sự được giải quyết chỉ khi và chỉ khi hai bên hiểu được mong muốn của đối phương và giải pháp thật sự khi nó thỏa mãn được đòi hỏi của cả hai phía. Tuy nhiên cũng có những giải pháp đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp từ cả hai bên. Trong trường hợp này bạn có thể xử dụng phương pháp thương lượng W-W ( win-win). Phương pháp này có thể giúp bạn tìm ra giải pháp tốt nhất để thỏa mãn cả hai phía trong hòang cảnh khó khăn nhất. Có 3 nguyên tắc trong thương lượng là: nhẫn nại, bình tĩnh và tôn trọng đối phương.

Lời khuyên:
Xung đột có thể làm mất đi tính đoàn kết cũng như hiệu quả trong công việc của nhóm hay công ty. Quản lý không đúng cách sẽ sinh ra xung đột trong công ty. Nó sẽ mau chóng lớn nhanh nếu không được giải quyết thỏa mãn. Và khi tính đoàn kết bị mất đi, những công việc đòi hỏi sự cộng tác sẽ trở thành nỗi ám ảnh của nhân viên. Trong tình huống này, bạn nên làm cho xung đột này dịu xuống. Thảo luận một cách bình tĩnh với thái độ xây dựng và tập trung vào thẳng vấn đề chứ không vào cá nhân. Nếu làm được điều này thì mọi người đều lắng nghe cẩn thận và hiểu được vấn đề cũng như cùng đưa ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.



Nhiều chuyên gia tin rằng để tìm việc thành công, và để có một sự nghiệp xứng thỏa mãn, bạn phải biết mình thích gì, phong cách làm việc của mình ra sao và những nhu cầu cá nhân nào cần được đáp ứng cho bạn để hoạt động hết khả năng của mình.

Những danh sách dưới đây sẽ cho bạn những ý tưởng về một số nghề nghiệp có thể phù hợp nếu bạn có sở thích và nguyện vọng phù hợp với từng đầu danh sách. 

Những công việc phù hợp cho những người có tính cách sau: đây là hình thức tham khảo, chứ chưa có một ngành khoa học nào chứng mình cho sự lựa chọn này.

Thích Học hỏi 

1. Chuyên viên Phần mềm 
2. Nhà Vật lý Học 
3. Nhà Ngoại Giao 
4. Phóng viên 
5. Kiến Trúc Sư 
6. Bác Sĩ 
7. Chuyên viên Lập Trình Máy tính 
8. Giáo Viên 
9. Nhà văn

Cần kiếm Càng nhiều Tiền nhanh càng tốt 

1. Nhà Đầu tư Ngân hàng 
2. Nhà Phân Tích Tài Chính 
3. Cố vấn Quản lý 
4. Nhân viên Bán hàng Hưởng Hoa Hồng 
5. Chủ Ngân hàng 
6. Người Mua bán Cổ phiếu 
7. Nhân Viên Tiếp Thị 

Không thể không diện thật bảnh 

1. Chuyên viên Lập Trình Máy Tính 
2. Nghệ sĩ 
3. Nhà văn 
4. Diễn viên 
5. Kỹ sư Dầu mỏ 
6. Huấn luyện viên Điền kinh 
7. Nhà Triết học 
8. Nhà Động vật học 
9. Nhà Nhân loại học 
10. Nhân viên Chăm sóc Trẻ em 

Có Tính cách Rắn rỏi 

1. Luật Sư 
2. Nhà Đầu tư Ngân hàng 
3. Cố Vấn Quản lý 
4. Phi Công 
5. Sĩ quan Quân đội 
6. Kiến Trúc Sư 
7. Huấn luyện viên Điền Kinh 
8. Nhà buôn bán Chứng khoán 

Những ngày không dự đoán trước được 

1. Thám tử/Điều Tra Viên 
2. Đại Diện Dịch vụ Khách hàng 
3. Người Quản lý Khách Sạn 
4. Nhân viên Chữa cháy 
5. Nhạc sĩ 
6. Nhân viên Quảng Cáo 
7. Nhà Tổ chức 
8. Nhân viên Mật vụ 

Yêu mến Con người 

1. Giáo viên 
2. Giám đốc Nhân sự 
3. Nhân viên Tư vấn 
4. Người Huấn luyện cho Công ty 
5. Nhân viên Chăm sóc Trẻ em 
6. Giám đốc Nhà hàng 
7. Người lãnh xướng trong Nhà thờ 

Thích làm việc bằng tay 

1. Thợ mộc 
2. Công nhân Cơ khí 
3. Nha sĩ 
4. Thợ máy 
5. Nhà Động vật học 
6. Thợ in 
7. Kỹ sư Máy móc 
8. Bác sĩ 
9. Đầu bếp


Để thành công trong giao tiếp việc trình bày trước đám đông là một rào đối với hầu hết mọi người, nếu không có sự chuẩn bị kỹ bạn dễ biến mình thành "chú hề" trước mọi người. Cho nên những gì chúng ta cần làm là chẩn bị và luyện tâp.

Bao giờ cũng vậy khâu chuẩn bị thường tốn nhiều thời gian nhất, vì chuẩn bị kỹ càng, tỉ lệ thành công sẽ càng lớn. Ở bước này chúng ta sẽ liệt kê ra danh sách các việc cần làm, nhưng không thể thiếu các việc chính sau:

Chuẩn bị nội dung: Khi chuẩn bị nội dung, chúng ta phải phân tích, rồi liệt kê các ý chính, ý phụ và sắp xếp theo trình tự ưu tiên nêu còn thời gian thì sẽ cho thêm các ý phụ minh họa cho bài diễn thuyết.

Chuẩn bị thông tin: Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mọi thứ được luôn được cập nhật và đổi mới liên tục. Vì vậy, những thông tin của bài thuyết trình phải là thông tin được cập nhật mới nhất, chính xác nhất, và thông tin chúng ta có thể thu thập từ nhiều nguồn. Tuy nhiên những thông tin, ý tưởng đó phải được sắp xếp một cách logic hoặc thêm, bớt nếu cần thiết.

Tìm hiểu văn hóa: Mỗi vùng, miền, tổ chức hay quốc gia, họ đều có những văn hoá và nguyên tắc ứng xử khác nhau. Bạn sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại nếu vi phạm những nguyên tắc đó. Nên trước khi thuyết trình, chúng ta cần tìm hiểu về văn hoá của tổ chức hay quốc gia mà ta sẽ thuyết trình để có lối ứng xử phù hợp.

Tìm hiểu về khán giả: Trong binh pháp của Tôn Tử có câu "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng" (Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng). Trong thuyết trình cũng vậy, khi bạn càng hiểu về khán giả thì bạn càng tự tin và đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả khi thuyết trình, và cố gắng tìm hiểu những vấn đề mà họ quan tâm để có thể lồng ghép vào bài thuyết trình. Một trong những bí quyết thành công của người thuyết trình đó là họ luôn luôn ở thế chủ động và làm chủ khán phòng trong mọi tình huống.

Xây dựng mục tiêu: Thông thường khi thuyết trình, điều hiển nhiên chúng ta phải biết mục đích mình nói là để làm gì, mục tiêu mình nói để được cái gì? Tuy nhiên, đôi khi những điều quá hiển nhiên đó bị chúng ta lại xem nhẹ, vậy sau bài thuyết trình khán giả có hiểu rõ điều chúng ta muốn truyền đạt là gì? Họ được yêu cầu làm gì? Và tại sao lại như thế? v.v.v... Với những điều càng cơ bản này, ta lại càng phải xác định rõ ràng, và không được phép chủ quan.

Tìm kiếm chủ đề: Khi chọn chủ đề, ta nên chọn chủ đề khán giả quan tâm, chủ đề mới mang tính thời sự, hoặc chủ đề mà ta rỏ nhất.


Xác định mục đích: Tại sao bạn lại tham gia buổi thuyết trình này? Bạn muốn truyền đạt thông tin gì đến khán giả? Bạn muốn khán giả làm gì sau buổi thuyết trình? Khi xác định rỏ mục đích bạn sẽ biết mình phải làm gì, tập trung vào đâu và phương pháp nào là thích hợp nhất.

Đó là nhưng việc không thể thiếu ở khâu chuẩn bị. Còn bây giờ chúng ta sẽ qua bước tiếp theo xây dựng bài thuyết trình. Thông thương, một bài thuyết trình chúng ta sẽ có 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết luận.

Mở bài: phần mở bài bao giờ cũng quan trong nhất. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì chúng ta chỉ có 20 giây đề gây ấn tượng ban đầu cho khán giả bằng các hành vi phi ngôn ngữ, và chúng ta chỉ có 4 phút đầu tiên để gây ấn tượng với khán giả bằng những nội dung chúng ta nói. Thính giả có tiếp tục nghe hay không phục thuộc rất nhiều vào những giây phút đầu tiên này và cách ta thu hút sự chú ý của họ.


Để gây ấn tượng ngay từ phút đầu tiên bạn phải nắm được tâm lý khán giả. Nguyên tắc đầu tiên là phải biết tập trung sự chú ý của khán giả. Chuyển họ từ trạng thái làm việc riêng sang trạng thái lắng nghe ta. Đây chính là điểm mấu chốt của việc điều khiển đám đông, ta phải biết cách khán giả về trạng thái đó là chuẩn bị lắng nghe bài thuyết trình của ta bằng một số cách phổ biến sau:

- Dùng ví dụ, minh họa.
- Kể một mẩu chuyện có liên quan đến chủ đề.
- Dùng các câu hoặc tình huống gây sốc. Ta có thể đưa ra các câu nói hoặc tình huống ngược lại với vấn đề khán giả đang quan tâm để gây sự chú ý.
- Số liệu thống kê, câu hỏi hoặc trích dẫn giúp ta có thế thu hút được sự chú ý của thính giả.
- Ta cũng có thể nói lên cảm tưởng của bản thân khi bắt đầu thuyết trình để có được sự đồng cảm của thính giả.
- Một hài hước hay làm thu hút sự chú ý của thính giả.

Sau khi thu hút sự chú ý của thính giả, điều chúng ta cần làm tiếp theo là cho họ biết mục đích của bài thuyết trình là gì, họ sẽ nhận được gì từ đó, và giới thiệu khái quát những nội dung chính và lịch trình. Điều này giúp cho người nghe có định hướng để nắm bắt được từng nội dung của bài thuyết trình.

Thân bài: Phần thân bài là phần truyền đạt nội dung, bạn phải lựa chọn đâu là thông tin bắt buộc khán giả phải biết, đâu là thông tin cần biết và nên biết, sau đó sắp xếp chung theo thứ tự ưu tiên: bắt buộc, cần và nên. Tránh đưa quá nhiều nội dung vào bài thuyết có thể gây phản ứng ngược lại làm khán giả rối trí không nhớ được gì.

Kết bài: Phần này chúng ta sẽ tóm tắt lại những ý chính ta đã trình bày và cũng chính là thông điệp cuối cùng ta gửi đến khán giả. Bạn có thể tham khảo ba cách sau:

Thông báo trước khi kết thúc: Ta sẽ thể hiện bằng những cụm từ như: Tóm lại..., để kết thúc, tôi tóm tắt lại... hoặc trước khi chia tay, tôi xin tóm tắt lại những gì đã trình bày...

Tóm tắt điểm chính: Với cách này ta sẽ tóm tắt lại những điểm chính giúp khán giả nhớ khái quát và lâu hơn về nội dung ta đã thuyết trình.

Thách thức và kêu gọi: Một lần nữa ta nhấn mạnh lại thông điệp muốn truyền đạt tới thính giả và các cam kết để thực hiện thông điệp đó. Trong phần này ta có thể dùng một số động từ mạnh để hô khẩu hiệu: Quyết tâm, Sẵn sàng... hoặc có thể kêu gọi sự cam kết bằng hành động cụ thể như vỗ tay, giơ tay biểu quyết hoặc thực hiện ngay.

Bây giờ chúng ta đã có được nội dung bài thuyết trình, chúng ta sẽ sang phần cuối cùng đó là phần luyện tâp.

Luyện tập: Là phần rất quan trọng để bạn nắm vững nội dung, và chỉnh sửa những chỗ chưa chính xác trong bài thuyết trình.

Trước tiên bạn ghi những ý chính ra giấy, luyện tập trước gương, hoặc bạn có thể ghi âm hoặc quay video để nghe lại và chỉnh sửa những phần bị lỗi. Tuy nhiên để hiệu quả hơn, bạn nên luyện tập trước một vài người hoặc một nhóm bạn, nhờ mọi người góp ý, và rút kinh nghiệm cho mình. Trong quá trình luyện tập bạn lưu ý diễn đạt thật thoải mái và tự nhiên, điều chỉnh giọng nói truyền cảm, và đủ to để người ngồi xa nhất có thể nghe thấy, bạn cũng đường bỏ qua những ngôn ngữ cơ thể, sắc mặt biểu cảm, ánh mắt bao quát, cử chỉ tay hay động tác cơ thể sẽ thu hút sự chú ý của khán giả hơn.


Xem thêm>>

Xem thêm>>

Đóng liên hệ [x]
hotline0906 18 40 60
-->