An Trú Trong Giây Phút Hiện Tại

logo
Sự kiện tiêu biểu

Tin mới

Showing posts with label Ky-nang-tu-duy. Show all posts
Showing posts with label Ky-nang-tu-duy. Show all posts


Khen thưởng là một động lực giúp nhân viên làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không biết động viên nhân viên đúng cách, bạn có thể gây ra hiệu ứng ngược. Dưới đây là 10 sai lầm thường gặp bạn nên tránh khi khen thưởng nhân viên:

1. Không có sự kết nối rõ ràng với công việc: khen thưởng cho nhân viên nhằm hai mục đích: trao thưởng cho nhân viên và nâng cao năng suất, hiệu quả công việc cho công ty. Bạn cần ghi nhớ sự kết nối đó và đảm bảo nhân viên của mình cũng nhận thức được.

2. Khen thưởng cho thái độ: đây là một lỗi phổ biến. Bạn khen thưởng vì chất lượng công việc, cho thành tích mà nhân viên đạt được trong công việc chứ không phải khen thưởng cho những gì nhân viên hứa hẹn hay làm việc mà không có kết quả.

3. Khen thưởng cho phần việc cơ bản: bạn trả cho nhân viên một mức lương cơ bản, đổi lại, bạn kỳ vọng ở họ mức độ hiệu quả công việc nhất định. Nếu nhân viên đạt được mức “đáp ứng yêu cầu”, họ vẫn chưa xứng được khen thưởng. Hãy khen thưởng cho nhân viên khi họ hoàn thành công việc xuất sắc hay vượt mức chỉ tiêu.

4. Khen thưởng không có kế hoạch: mỗi công ty, phòng ban phải có một quy trình, hệ thống khen thưởng nhất định. Bạn không thể làm theo ý thích chủ quan của mình và khen thưởng cho nhân viên một cách ngẫu hứng.

5. Thiếu sự minh bạch: kế hoạch khen thưởng của bạn phải minh bạch và công bằng với tất cả nhân viên, không có bí mật hay thiên vị cho những cấp dưới mà bạn yêu thích. Và hãy đảm bảo tất cả mọi người đều nắm được quy trình khen thưởng.

6. Phớt lờ nhóm: nhiều sếp chỉ tập trung vào thành công của những cá nhân xuất sắc mà phớt lờ sự đóng góp của cả nhóm, điều này sẽ ảnh hưởng tới tinh thần đồng đội và năng suất chung của công ty. Vì vậy, hãy cân nhắc thành tích của cả nhóm mỗi đợt khen thưởng.


7. Thiếu tiêu chuẩn đánh giá: nếu thiếu tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, cụ thể, thật khó để bạn có thể khen thưởng cho nhân viên một cách chính xác. Do đó hãy thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá và thông báo cho tất cả nhân viên.

8. Thiếu sự kết nối với nhân viên: mỗi nhân viên cần được biết họ đang làm việc ra sao và còn cách mục tiêu khen thưởng bao xa. Nếu có thể, bạn nên thông báo cho họ hằng tuần, thậm chí hằng ngày. Đây cũng là cách khuyến khích nhân viên làm việc tích cực và hiệu quả hơn.

9. Chỉ dùng phần thưởng tiền bạc: tiền bạc chỉ là một trong rất nhiều thứ bạn có thể thưởng cho nhân viên. Ngoài tiền, bạn có thể thưởng cho họ 2-3 ngày nghỉ/ tháng vẫn được hưởng lương, cơ hội thăng tiến, những vật dụng cần thiết cho cuộc sống, hay đơn giản nhất là một kỷ niệm chương hoặc bằng khen.

10. Giới hạn phạm vi khen thưởng: bạn không nên giới hạn khen thưởng trong phạm vi làm việc tốt. Nếu nhân viên có ý tưởng giúp công ty tiết kiệm chi phí hoặc tăng thêm giá trị, họ cũng xứng đáng được khen thưởng.


Trên hải trình của các bạn, dù là tàu lớn hay nhỏ, cũng có thể xảy ra những tai nạn bất ngờ và hậu quả có thể dẫn đến tàu bị lật chìm. Khi xảy ra sự cố vì bất cứ lý do gì, thì: 

- Lập tức phát tín hiệu (bằng bất cứ phương tiện gì) cầu cứu khẩn cấp với mã điện quốc tế SOS.

- Cố gắng làm chậm tốc độ chìm của tàu bằng cách đóng các cửa thông ra biển, các ống thông khí và thoát khí... Tận dụng hết công suất của các máy bơm nước. Để kéo dài thời gian chờ cứu viện.

- Nếu là những tàu thuyền lớn, thời gian chìm khá chậm. Các bạn cần thông báo cho toàn thể hành khách mang phao cứu sinh chuẩn bị rời tàu. Hạ xuồng cứu sinh xuống. Ưu tiên cho trẻ em, phụ nữ và những người già yếu. Không nên hoảng loạn.

- Nếu máy tàu chưa hư hỏng, hãy cố gắng chạy về phía đất liền hay hải đảo nào gần nhất, càng gần càng tốt.

NHẢY XUỐNG NƯỚC

Nếu là mùa lạnh (hay đang ở vùng biển lạnh), trước khi nhảy xuống nước, nên mặc nhiều quần áo (nếu có quần áo chống thấm nước càng tốt), đội mũ, mang bít tất và dĩ nhiên là phải mang phao cứu sinh. 

Khi nhảy xuống nước thì nhảy thẳng đứng, chân xuống trước, hai chân khép lại, mắt nhìn về phía trước, hai tay ôm choàng trước ngực, đè lên phao cứu sinh. Không nên nhảy cắm đầu xuống như trong hồ bơi. Bịt mũi lại đề phòng sặc nước.

Nếu có thể được thì nên chọn hướng dưới gió để tránh gió thổi va đập vào tàu.
Nếu là tàu lớn, sau khi xuống nước, cần rời xa ngay mạn tàu. Vì khi tàu chìm, sẽ tạo thành một luồng nước xoáy rất mạnh, hút theo tất cả những vật thể gần đó.
Sau khi xuống nước, mọi người nên tụ tập lại gần nhau để có thể nương tựa nhau, giúp đỡ và động viên nhau... Và nhất là những toán cứu hộ sẽ dễ dàng nhìn thấy cũng như dễ dàng trong việc cứu giúp các bạn. Chia nhau các mảnh gỗ hay các vật thể trôi nổi bềnh bồng trên mặt nước để tăng cường lực nổi của mình.

SỬ DỤNG PHAO CỨU SINH

Khi gặp tai nạn trên biển, cần phải nhảy xuống nước để thoát thân thì cho dù bạn là một tay bơi lội cự phách, cũng cần phải mang phao cứu sinh để duy trì sức lực, kéo dài thời gian sinh tồn trên mặt nước.

Phao cứu sinh có nhiều loại nhiều kiểu khác nhau: có loại thổi khí bằng miệng, có loại sử dụng hơi nén (chỉ cần giựt mạnh chốt bình khí nén là phao tự phồng lên), có loại làm bằng những vật liệu mà tự thân nó đã có một lực nổi nhất định.
Khi gặp tình huống nguy hiểm, lập tức thông báo cho mọi người trên tàu biết để mang phao cứu sinh. Dành những loại phao có độ nổi cao cho trẻ em, phụ nữ và người già. Giúp họ mang phao, cột dây, gài nút, gài khóa, hướng dẫn sơ bộ... Những người biết bơi nên sử dụng loại phao hỗ trợ, tuy lực nổi thấp, nhưng tiện cho việc thao tác trong khi bơi lội.

Nếu thiếu phao cứu sinh, những người biết bơi nên tự tìm hay chế tạo cho mình những chiếc phao cứu sinh bằng cách tìm những thùng rỗng, can rỗng, túi nylon, các vật liệu xốp, nhẹ, có độ nổi cao... dùng dây cột lại với nhau. Cũng có thể thổi nhiều túi nylon nhỏ, cho vào hai ống quần rồi cột túm lại. Khi sử dụng loại phao này, không được nhảy mạnh xuống nước vì lực va đập sẽ làm vỡ túi khí, phao sẽ mất tác dụng.

(Xin tham khảo thêm phần “LÀM BÈ ĐƠN GIẢN)

SỬ DỤNG XUỒNG & BÈ CỨU SINH

Khi xảy ra tai nạn trên biển, xuồng hay bè cứu sinh là phương tiện tốt nhất để chúng ta thoát hiểm. Tuy nhiên, để cho an toàn và hiệu quả cao, các bạn cần biết một số điều sau:

- Nếu xuồng cứu sinh được làm bằng gỗ hay sợi thủy tinh, khi sử dụng, phải thả từ từ xuống biển. Nếu thả bằng cần cẩu thì nên cho một ít trẻ em hay phụ nữ yếu sức ngồi vào rồi điều khiển cho xuồng xuống từ từ (những người này không thể nhảy thẳng xuống biển).

- Nếu xuồng hay bè cứu sinh được làm bằng cao su thổi khí (thường là khí nén) thì có thể ném thẳng xuống biển. Nhưng trước khi ném, cần có một sợi dây dài buột bè với tàu đề phòng khi ném xuống nước, vì nhẹ nên dễ bị gió thổi trôi đi. 

- Thuyền trưởng hay các phụ tá, thủy thủ... nên chuẩn bị cho mỗi xuồng hay bè cứu sinh một số thức ăn, nước uống và dụng cụ mưu sinh như: vũ khí, đèn pin, hỏa pháo, kính phản chiếu, pano màu, dao, mái chèo, thuốc cấp cứu,... và một sợi dây dài cột sau xuồng hay bè cứu sinh, để nhỡ có người rơi xuống nước thì họ có thể bám vào đó để cho chúng ta kéo lên.

- Sau khi hạ xuồng hay bè cứu sinh xuống nước, cần cử hai người khỏe mạnh, bơi lội giỏi, một người leo lên bè và một người bơi chung quanh bè để giúp đỡ những người khác leo lên.

- Nếu số lượng người nhiều hơn tải trọng của xuồng hay bè cứu sinh những người bơi lội giỏi nên mang phao cứu sinh và bơi theo xuồng, nếu mệt thì bám nhẹ vào mạn xuồng.

- Sau khi lên xuồng, tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của các thủy thủ, ở đâu thì ngồi yên đó, không được chen lấn, chạy tới chạy lui, chồm ra mạn xuồng...

- Nếu trước đó, tàu đã kịp phát tín hiệu cầu cứu thì những toán cứu hộ sẽ đến và họ sẽ ưu tiên lùng sục khu vực bị tai nạn trước tiên, cho nên sau khi lên xuồng, các bạn không nên chèo xuồng đi quá xa mà nên thả chập chờn chung quanh khu vực tai nạn, trừ khi các bạn biết hướng vào đất liền hay hải đảo hoặc nhìn thấy các ánh đèn (nếu là ban đêm).

- Cử người luân phiên tát nước trong xuồng cứu sinh ra ngoài.

- Cắt cử người luôn luôn quan sát trên không cũng như trên biển, nếu thấy bóng dáng của máy bay hay tàu thuyền, lập tức phát tín hiệu cầu cứu. Nếu trời nắng tốt, thì gương phản chiếu hay một miếng kim khí đánh bóng là hiệu quả nhất (xem mục LIÊN LẠC VỚI PHI CƠ), nếu không có thì dùng khói, khói màu, vải màu sáng... thu hút sự chú ý của họ. Ban đêm có thể dùng lửa hay hỏa pháo phát sáng.

- Điều quan trọng nhất là phải biết đoàn kết, động viên, an ủi và quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Có như thế thì các bạn mới có thể vượt qua mọi gian lao để cùng nhau sống sót.

BƠI VÀO BỜ

Nếu các bạn có thể định hướng hay nhìn thấy bờ và có khả năng hoặc tình thế buộc phải bơi vào bờ, các bạn hãy: 
  • Cố gắng tìm một cái phao hay vật nổi để bám vào.
  • Tận dụng hướng gió hay dòng chảy của hải lưu.
  • Dùng phương pháp bơi ếch nhẹ nhàng thoải mái để tiết kiệm năng lượng.
Nếu gặp những cơn sóng bình thường:
  • Bơi sau lưng những ngọn sóng.
  • Khi sóng vỡ ra, nếu cần thì lặn xuống để vượt qua.
Nếu gặp sóng lớn:
  • Bơi vào giữa hai ngọn sóng.
  • Cố gắng bơi sát ngọn sóng.
  • Nếu ngọn sóng từ hướng biển tiến nhanh vào gần (sau lưng các bạn), hãy nín hơi lặn xuống chờ qua khỏi thì trồi lên giữa hai ngọn sóng và bơi tiếp. Nếu không, khi ngọn sóng vỗ vào lưng các bạn, sẽ làm cho các bạn lộn nhào.
THẢ NỔI

Để bảo toàn sinh lực trong khi bơi, các bạn phải biết thư giãn nghỉ ngơi bằng cách thả nổi. Tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể thả nổi, ngay cả những người không biết bơi, vì nó không đòi hỏi sức khỏe cũng như sự luyện tập nhiều.
Trong vùng nước tĩnh lặng, các bạn có thể thả ngửa nhẹ nhàng để nghỉ ngơi, giúp bạn lấy lại sức lực hay tiết kiệm năng lượng. Nhưng nếu trong những dòng hải lưu hay sóng lớn ở giữa biển, các bạn không thể thả ngửa mà chỉ có thể thả nổi theo thế bơi đứng nhẹ nhàng.

Các bạn cần thả nổi khi bị lật thuyền trong đêm tối, không thể định hướng để bơi vào bờ hoặc các bạn thả nổi để nghỉ ngơi hồi sức sau khi bơi một chặng đường dài. Thả nổi cũng giúp bạn bảo tồn sinh lực để có thể ở lâu dưới nước trong khi chờ người đến cứu hay tình thế cải thiện hơn.

Sẽ dễ dàng hơn trong việc thả nổi nếu các bạn có một cái phao hay các trang thiết bị, vật liệu nổi... Nếu không, các bạn có thể dùng quần dài của mình để làm tạm một cái phao (theo hình minh họa) để tạm nghỉ.

Sự giảm nhiệt:

Các bạn chỉ có thể ở lâu trong nước nếu nhiệt độ nước không dưới 70oF, tức tương đương với 21,5oC, nhưng nếu nhiệt độ dưới 68oF (# 20oC) sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhiệt rất nguy hiểm nếu cơ thể không được bảo vệ. Nếu có áo quần, những triệu chứng xấu sẽ xuất hiện sau 8 giờ ở trong nước, nếu không có áo quần thì chỉ sau 4 giờ. Nếu nhiệt độ xuống mức 57oF (#15oC) thì thời gian tồn tại không quá 2 giờ.

Khi các bạn ở trong nước lạnh, hãy giữ cho đầu nổi lên mặt nước, cố gắng bảo vệ cổ, ngực, nách, háng (là những phần cơ thể dễ bị cái lạnh xâm nhập) bằng quần áo dày. Nếu chỉ có một mình thì co đầu gối lên, khoanh hai tay trước ngực và bất động cơ thể để giữ thân nhiệt. Nếu có 2 - 3 người, hãy ôm nhau cho đỡ lạnh (dĩ nhiên là các bạn cần có phao hay các trang thiết bị làm nổi). 


TỒN TẠI TRÊN BÈ

Có thể do đắm tàu, do tai nạn, do phi cơ phải đáp khẩn cấp xuống biển hoặc vì một lý do nào đó mà các bạn đang bị trôi dạt trên biển với một chiếc bè, thì xin các bạn hãy làm theo những hướng dẫn sau đây: 

- Cột chặt các vật dụng mà các bạn đang có trên bè, để khỏi bị sóng đánh hay lật bè làm rơi mất.

- Giữ khô quần áo, mang vớ và găng tay, che tất cả những nơi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nếu có thể, vì sức nóng của mặt trời có thể đốt phồng da các bạn.
- Áo quần khô ráo cũng là điều cần thiết giúp chúng ta chống lại với cái lạnh, nhất là về ban đêm.

- Tận dụng bóng mát của buồm hay các vật liệu khác để che nắng, cố gắng làm giảm tối thiểu việc tiếp xúc với ánh nắng, vì rất dễ làm cơ thể các bạn mất nước.

- Kiểm kê toàn bộ lương thực và nước uống, cất giữ một nơi an toàn và thoáng mát, hạn chế ăn uống trong 24 giờ đầu. 

- Các bạn có thể lênh đênh trên biển nhiều ngày, cho nên cần phải giữ gìn sinh lực, tránh những hoạt động làm đổ mồ hôi và tiêu hao năng lượng.

- Chuẩn bị một số vật dụng để làm dấu hiệu cho phi cơ hay tàu thuyền (như đã đề cập phần trước).

DI CHUYỂN BẰNG BÈ (HAY XUỒNG CỨU SINH)

Khi di chuyền bằng bè, các bạn cần phải chọn lựa một trong hai phương pháp di chuyển: Hoặc là xuôi theo chiều gió, hoặc là nương theo các dòng hải lưu.

Gió và hải lưu ít khi nào chuyển động theo cùng một hướng, thường thì một thuận và một thì ngược lại. Các bạn cần có một số kiến thức về gió và hải lưu, biết vị trí (tương đối) của mình, biết hướng mình cần đi, biết gió hay hải lưu sẽ đưa mình đến đâu.

Vận dụng các dòng hải lưu:

Một chiếc bè không buồm buộc phải bị chi phối bởi các dòng hải lưu, vì vậy các bạn phải biết cách vận dụng nó để nó giúp các bạn trong chuyến hải hành.

Để vận dụng dòng hải lưu, người ta thường sử dụng một cái túi bằng vải dày gọi là “buồm gàu” hay “neo gàu” (sea anchor) để thả xuống nước, luồng nước sẽ làm cho gàu bung ra và đẩy nó đi kéo theo chiếc bè. Khi luồng nước mạnh, kéo bè đi quá nhanh, thì người ta thâu bớt “buồm gàu” lại. Khi luồng nước yếu làm bè đi chậm hay bất động thì người ta mở rộng “buồm gàu” ra.
 
Nếu không có “buồn gàu”, các bạn cũng có thể vận dụng các dòng hải lưu bằng cách làm cho bè ngập một phần trong nước (như xì bớt hơi nếu là bè cao su), cột một số đồ vật cho chìm trong nước để chịu sự tác động của dòng hải lưu nhiều hơn. Nếu may mắn, dòng chảy sẽ đưa các bạn đi qua các tuyến hải hành của tàu thuyền hoặc mang các bạn vào đất liền.

Các dòng hải lưu:

Là những sự trao đổi nước giữa biển này và biển kia, hình thành nên các dòng hoàn lưu như những dòng sông trên biển. Các dòng hải lưu thay đổi theo từng mùa và từng vùng biển khác nhau. Dưới đây là sơ đồ các dòng hải lưu ở Biển Đông.

Vận dụng sức gió:

Tuy gió là bạn đồng hành của các nhà hàng hải từ ngàn xưa, nhưng nếu chúng ta không nắm vững qui luật của gió thì thay vì đưa chúng ta vào đất liền, gió cũng có thể đưa chúng ta ra xa hơn.

Vùng Biển Đông nước ta nằm trọn trong vùng Đông Nam Á Gió Mùa với hai loại gió chính: Gió mùa Đông Bắc và Gió mùa Tây Nam.

Về cường độ, hai loại gió này thay đổi rất nhiều ở các tháng giao thời (tháng Tư, Năm và tháng Chín, Mười) hướng gió không ổn định.

Gió mùa Đông Bắc hoạt động kéo dài từ tháng Mười đến tháng Tư năm sau.

Gió mùa Tây Nam kéo dài từ tháng Năm đến tháng Mười và do có nguồn gốc đại dương nên trong thời kỳ này có mưa lớn.
Để vận dụng tối đa sức gió:
  • Không sử dụng “buồm gàu”
  • Thổi bè thật phồng (nếu là bè cao su) làm cho bè càng nhẹ càng nổi cao càng tốt.
  • “Hành khách” ngồi thật cao trên bè, để cơ thể có thể hứng gió tối đa.
  • Dựng buồm (hoặc các vật liệu khác dùng để bắt gió như buồm). Đây cũng là vật dùng làm dấu hiệu cho các tàu thuyền khác dễ dàng trông thấy.
  • Trường hợp các bạn đang ở trong tình thế khó khăn, bè không thể nương theo gió hay dòng hải lưu để di chuyển, hãy cố gắng bảo quản và hạn chế khẩu phần lương thực cũng như nước uống, để duy trì sự sống càng lâu càng tốt.
ĐÁNH BẮT TRÊN BÈ

Trong thời gian tồn tại trên bè, cho dù các bạn có hay không có thực phẩm, các bạn cũng cần phải biết một số phương pháp đánh bắt để có thêm thức ăn tươi và bổ sung cho nguồn lương thực của mình càng nhiều càng tốt.

Câu cá:

Nếu các bạn chỉ có lưỡi câu nhưng không có mồi, các bạn có thể cột một hay nhiều lưỡi câu ở các độ sâu khác nhau, kéo nhè nhẹ lui tới dưới bè. Những chú cá tò mò hoặc đến trú dưới bè có thể bơi trúng lưỡi câu và bị dính (đây cũng là trường hợp thường gặp khi chúng ta đi câu cá, thỉnh thoảng cũng có những con bị dính ngang hông). Khi bắt được con cá đầu tiên, các bạn mổ bụng lấy lòng ruột móc vào lưỡi câu để làm mồi.

Các công cụ và phương pháp bắt cá khác

Không có lưỡi câu, các bạn có thể dùng dao, gậy, mái chèo, chĩa, thòng lọng... thậm chí tay trần; để chém, đâm, đập, siết, chụp... những con cá hay các sinh vật biển lảng vảng gần mặt nước quanh bè. 


Bắt chim biển

Các bạn có thể bắt chim biển bằng cách móc mồi (tốt nhất là cá nhỏ) vào một lưỡi câu (hay một vật gì chế tạo như lưỡi câu) đặt trên một vật nổi, nối vật nổi đó vào bè, các loài chim biển nhào xuống đớp mồi thì sẽ bị dính câu. (xin xem phần CHẾ TẠO LƯỠI CÂU).

Nếu có một vật nổi nhẹ và hơi lớn, (ván, thùng rỗng...) các bạn cột kéo theo bè khoảng 5 - 10 mét, trên đó để một thòng lọng nối với bè. Các loài chim biển thường rất bạo dạn, thấy có chỗ nghỉ chân thì sẽ đáp xuống, các bạn hãy giựt thòng lọng để túm lấy.


Các bạn cũng có thể nằm bất động giả chết. Những chú chim tham ăn tưởng thật sẽ đáp xuống gần bạn, khi vừa tầm tay thì bất ngờ chộp lấy. Lưu ý là vuốt, cánh, mỏ của nó có thể gây thương tích cho bạn. (Đây là kinh nghiệm của một ngư dân người Hải Nam lênh đênh trên bè gần ba tháng sau khi bị đắm thuyền) (Xin xem thêm phần SĂN BẮN ĐÁNH BẮT).

Rong tảo: Là một nguồn bổ sung vitamin rất cần thiết cho cơ thể chúng ta. Trong nước biển có rất nhiều loại rong tảo, phần lớn đều có thể ăn được. Tuy nhiên, các bạn cũng cần phải biết cách phân biệt cũng như chế biến. (Xin xem phần RONG TẢO )

MÀU SẮC CỦA NƯỚC BIỂN
 

Khi di chuyển trên biển, chúng ta cũng cần biết một số vấn đề và hiện tượng liên quan đến sự sinh tồn của chúng ta, trong đó màu sắc của nước biển cũng cho chúng ta biết nhiều thông tin quan trọng. Nước biển thường có hai màu chính: Lục và Xanh.
  • Lục: Khi số lượng vi sinh vật và sinh vật nhiều, độ mặn thấp. 
  • Xanh: Khi sinh vật và vi sinh vật ít, độ mặn cao.
Sắc độ của nước biển (Lục và Xanh) còn tùy thuộc vào: 
  • Ánh sáng mặt trời và độ sâu của biển (càng sâu càng thẫm màu).
  • Sự khác nhau về độ mặn và số lượng sinh vật của các dòng chảy (thí dụ: dòng Gulf và Labrador ở Bắc Đại Tây Dương) cũng làm thay đổi màu sắc của biển.
  • Các vùng có rạng san hô ngầm thường có màu hơi vàng.
  • Màu sắc của nước biển không chính xác khi thời tiết xấu hoặc âm u.
ƯỚC LƯỢNG KHOẢNG CÁCH
Ở trên biển, khoảng cách mục tiêu thường bị nhiễu bởi hơi nước và vô số hạt nước tạo thành sương tuyết hay sương mù,... cho nên khi ước lượng khoảng cách trên biển, thường không trung thực. 

Nhiều mục tiêu các bạn nhìn có vẻ như gần hơn so với thực tế là do:
  • Ánh sáng mặt trời chiếu đằng sau lưng các bạn.
  • Khi các bạn nhìn xuyên qua nước (ánh sánh bị khúc xạ).
  • Không khí quá trong sáng.
Cũng có khi các bạn nhìn thấy mục tiêu có vẻ như xa hơn thực tế là do:
  • Thiếu ánh sáng hay do sương mù.
  • Thường xuyên nhìn lâu qua những ngọn sóng lớn, nhất là khi ngọn sóng trực diện (thẳng góc) với người quan sát.
Trong trường hợp thời tiết tốt, với mắt thường, các bạn có thể thấy những hình ảnh theo bảng ước lượng khoảng cách dưới đây:
  • Khoảng cách 50 mét: Nhìn thấy rõ mắt, mũi, miệng của một người.
  • Khoảng cách 100 mét: Hai mắt chỉ còn 2 chấm.
  • Khoảng cách 200 mét: Có thể còn thấy mặt.
  • Khoảng cách 500 mét: Còn thấy màu sắc quần áo, cờ Sémaphore và đọc được bảng tên của các con tàu trung bình.
  • Khoảng cách 800 mét: Con người giống như một que nhỏ. Còn đọc được bảng tên của các con tàu lớn.
  • Khoảng cách 1500 mét: Còn thấy đầy đủ con tàu.
  • Khoảng cách 3000 - 4000 mét: Còn thấy phần trên của con tàu
  • Khoảng cách 11 - 15 km: Chỉ còn thấy ống khói hay cột buồm.
ƯỚC LƯỢNG VĨ ĐỘ BẰNG SAO BẮC ĐẨU 
 

Khi lênh đênh trên các vùng biển ở Bắc Bán Cầu, các bạn có thể nhìn sao Bắc Đẩu để ước lượng chúng ta đang ở Vĩ độ (Bắc) nào. Muốn được như vậy, các bạn lấy điểm Thiên đỉnh và Đường Chân Trời tạo thành hai cạnh của góc vuông, giao nhau ở chính bản thân ta. Ta lấy Đường Chân Trời là 0o và điểm Thiên Đỉnh là 90o, nếu sao Bắc Đẩu nằm ở bao nhiêu độ trong góc vuông thì chúng ta đang ở đúng ngay Vĩ độ đó trên mặt đất (biển).

Trong hình minh họa, chúng ta thấy sao Bắc Đẩu đang ở 45o (giữa Thiên Đỉnh và Đường Chân Trời). Như vậy, chúng ta đang ở 45o Vĩ Bắc.

Cho dù các bạn không có “kính lục phân”, các bạn cũng có thể dùng phương pháp trên để ước lượng khoảng cách khá chính xác bằng cách tính sự chênh lệch của sao Bắc Đẩu sau mỗi đoạn đường di chuyển. Cứ mỗi độ chênh lệch thì tương đương với 60 dặm (miles) hay 90 km trên mặt đất (biển).

TÌM HẢI ĐẢO BẰNG MÂY
 

Những đám mây bất động sẽ làm cho chúng ta chú ý vì nó đứng yên một chỗ trong khi các đám mây chung quanh vẫn chuyển động. 

Mây bất động thường xuất hiện phía trên các hòn đảo (hoặc đồi, núi ở trên đảo) là do những ngọn gió mang nhiều hơi nước liên tục thổi vào đảo, khi đụng các khối đất ở đảo thì bốc lên cao, gặp khí lạnh thì ngưng tụ lại thành mây (đám mây này bất động là do được cung cấp hơi nước liên tục). Những hòn đảo này nằm dưới Đường Chân Trời nên rất khó thấy. 

Sau khi qua khỏi đảo, ngọn gió xuống thấp và ấm lại nên không thể hình thành đám mây khác. 


TÌM ĐẤT LIỀN BẰNG CHIM

Các nhà hàng hải ngày xưa họ đi biển mà không có bản đồ và hải bàn, họ chỉ dựa trên kinh nghiệm, sự phán đoán và một số mẹo vặt. Để tìm ra hướng có đất liền, họ mang theo một số chim sống ở lục địa. Khi cần, họ thả chim ra, nếu thấy đất liền, chim sẽ bay thẳng về hướng đó, nếu không, chim sẽ quay trở về thuyền.
 

Ước đoán khoảng cách đất liền bằng chim biển:



ĐƯA BÈ CẬP VÀO BỜ

Để cập bờ cho an toàn khi bè đã tiến gần đến bờ, các bạn hãy:

  • Cố gắng tìm một chỗ khuất gió trên đất liền (hay hải đảo) để đổ bộ.
  • Không nên đổ bộ vào hướng ngược với mặt trời, ánh sáng và sự phản chiếu từ biển sẽ làm bạn lóa mắt, không thấy được mục tiêu, dễ bị va đập.
  • Chọn những nơi ít sóng cồn (ít bọt trắng) sẽ giúp các bạn cập vào bờ dễ dàng và ít hao sức lực.
  • Nếu các bạn buộc phải cắt ngang sóng cồn, hãy hạ cột buồm, cột chặt lại các dụng cụ, mặc quần áo, mang giầy, để hạn chế sự trầy xước do va chạm hay cọ sát có thể xảy.
  • Dùng mái chèo hay sào, gậy... để kiểm tra độ sâu, san hô, đá ngầm...
  • Kéo “buồm gàu” lên, nhất là khi vượt qua các rặng san hô hay khi đã gần bờ.
  • Tránh những khu vực có sóng vỗ mạnh vào vách đá hay những tảng đá.
  • Khi bè chuẩn bị cập bờ, các bạn hãy nhìn thẳng về phía trước, ngồi cho thật vững vàng để có thể chịu đựng được những cú va đập khi bè cập bờ.
  • Khi bè vừa chạm đất, các bạn hãy nhảy xuống, nương theo những ngọn sóng để kéo bè vào bờ.
CÁCH LẬT LẠI MỘT BÈ CAO SU BỊ ÚP 
 


Khi một bè cao su bị lật úp, nếu không biết cách, một mình bạn sẽ phải loay hoay và khó lòng mà lật lại vì không có thế. Bạn hãy cột đầu một sợi dây ở một bên mạn bè rồi cầm đầu dây còn lại bơi sang bên kia. Leo lên đứng thẳng trên mạn đó, ngửa người ra sau kéo thẳng sợi dây. Khi bè lật lại bạn sẽ bị té xuống nước, hãy coi chừng bè đập vào người.

Việc tham dự phỏng vấn tuyển dụng làm bạn âu lo đến toát cả mồ hôi? Đừng ngại ngùng khi thú nhận điều này vì thật ra đó là tâm lý chung của đa số ứng viên. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là cho đến nay chưa có ứng viên nào “gục ngã” vì quá hồi hộp trong lúc phỏng vấn! Vì thế, bạn hãy bình tĩnh và tham khảo một số bí quyết sau để tự trấn tĩnh trước và trong buổi phỏng vấn.

Trước tiên, bạn cần chuẩn bị thật chu đáo cho buổi phỏng vấn. Chuẩn bị kỹ sẽ giúp bạn thêm tự tin và bớt lo âu. Theo các chuyên gia, bạn nên dành ít nhất 3 giờ để chuẩn bị cho mỗi cuộc phỏng vấn. Việc đầu tiên bạn cần làm là suy nghĩ cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất và tập trình bày rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp:

1. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn? 
Đây thật sự là cơ hội để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (NTD). Bạn cần trình bày ngắn gọn và cô đọng về điểm mạnh, năng lực của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho công ty. Tuy nhiên, bạn không nên trả lời câu hỏi này một cách chung chung, chẳng hạn: “Tôi làm việc rất chăm chỉ và nhiệt tình.” Hãy tạo sự khác biệt cho bản thân bằng cách giới thiệu những phẩm chất chỉ bạn mới có và bắt đầu câu trả lời với “Tôi chính là người phù hợp nhất cho vị trí này vì ….”

2. Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Đây là một trong những câu hỏi mà NTD hay dùng để kiểm tra xem bạn có chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn hay chưa. Bạn đừng bao giờ dự một buổi phỏng vấn mà không biết tí gì về công ty, đường hướng phát triển và hoạt động kinh doanh của nó nhé! Nếu bạn đã tìm hiểu, nghiên cứu về công ty, câu hỏi này sẽ cho bạn cơ hội để thể hiện tinh thần chủ động cũng như chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực của bạn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty.

3. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Hãy thành thật khi đề cập đến điểm yếu của bạn, nhưng đừng quên chứng tỏ bạn có thể biến nó thành điểm mạnh. Ví dụ: nếu trước đây bạn từng làm việc với hiệu quả chưa cao thì hãy trình bày những việc bạn đã làm để cải thiện điều này. NTD sẽ nhận ra bạn là người dám thừa nhận những điểm yếu của mình và luôn tìm cách để hoàn thiện bản thân.

4. Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ? 
Ngay cả khi bạn rời bỏ công việc cũ với tâm trạng không vui, bạn cũng không nên trả lời câu hỏi này với thái độ tiêu cực. Hãy khéo léo né tránh đề cập đến những điều bạn không hài lòng về  công việc cũ. Còn nếu bạn thật sự muốn đề cập, hãy cố gắng trình bày chúng cùng với một số điểm tích cực để cân bằng. Việc than phiền không dứt về công ty cũ sẽ khiến NTD không đánh giá cao thái độ làm việc của bạn.

5. Hãy mô tả một tình huống khó khăn bạn từng gặp phải và cách bạn đã xử trí 
Đôi lúc, bạn sẽ không biết trả lời câu hỏi này như thế nào, đặc biệt là khi bạn mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Khi hỏi câu này, NTD muốn biết bạn có khả năng tư duy để tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề bạn gặp phải hay không. Ngay cả khi vấn đề của bạn là không có đủ thời gian để học tập, nghiên cứu, bạn cũng cần cho NTD thấy cách bạn đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong lịch làm việc của mình để giải quyết nó. Việc này chứng tỏ bạn là người có tinh thần trách nhiệm và có thể tự mình tìm ra giải pháp cho vấn đề gặp phải.

6. Bạn tự hào nhất về thành tích nào của mình? 
Khi trả lời câu hỏi này, bạn nên chọn một thành tích liên quan đến nghề nghiệp và phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để giới thiệu. Hãy ngẫm nghĩ về những phẩm chất công ty đang tìm kiếm ở ứng viên và tìm ra một ví dụ phù hợp nhất để chứng tỏ bạn chính là người công ty đang cần. 

7. Bạn đề nghị mức lương ra sao? 
Đây là một trong những câu hỏi khó nhất, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc đầu tiên cần làm trước khi dự phỏng vấn là nghiên cứu mức lương phổ biến trong ngành nghề của bạn để ước lượng con số mình nên đề nghị. Hãy trình bày rõ ràng với NTD rằng bạn sẽ chỉ bàn thảo chi tiết về lương bổng khi đã nhận được lời đề nghị tuyển dụng. Nếu NTD thúc ép bạn đưa ra một câu trả lời cụ thể, bạn hãy đưa ra một mức lương kiểu “khoảng” hơn là một con số chính xác.

8. Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn
Khi hỏi câu này, NTD không hề muốn nghe bạn kể “tràng giang đại hải” về quê hương của bạn hay những việc bạn đã làm vào cuối tuần. Vì thế, bạn hãy mô tả ngắn gọn về bản thân, kinh nghiệm làm việc và mục tiêu nghề nghiệp của bạn rồi kết thúc bằng việc khẳng định sự khát khao được làm việc cho công ty. Nếu bạn đã chuẩn bị kỹ câu trả lời thì câu hỏi này chính là cơ hội tốt để bạn nhấn mạnh thêm năng lực của mình.

Kế tiếp, bạn nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về công ty và công việc của bạn. Việc này sẽ tạo ấn tượng tốt cho NTD vì họ nghĩ bạn thật sự quan tâm đến vị trí này.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, nếu bạn không biết rõ đường đi đến địa điểm phỏng vấn thì trước khi gặp NTD vài ngày, bạn nên đi trước để dò đường. Việc này còn giúp bạn ước lượng được khoảng thời gian cần thiết để đến địa điểm phỏng vấn đúng giờ.




Khơi dậy tinh thần làm việc hăng hái, nhiệt tình, tạo lập môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện là chìa khóa giúp công ty tăng cường sức mạnh.

1. Giúp nhân viên hiểu ý nghĩa của công việc 
Hiểu được ý nghĩa của công việc góp phần củng cố động cơ, động lực làm việc nơi mỗi nhân viên. Một trang web chuyên về việc làm ở Mỹ đã lên tinh thần cho nhân viên bằng những lá thư của khách hàng. Những ứng viên đăng hồ sơ tìm việc qua website này, sau khi tìm được việc đã gửi email cám ơn. Chính những câu chuyện người thật việc thật này giúp mọi người thấy được ý nghĩa tốt đẹp mà công việc của mình đã mang đến cho cuộc sống của người khác.

2. Thường xuyên đánh giá, khen thưởng, động viên Đánh giá, khen thưởng và động viên là hoạt động cần có của bất kì doanh nghiệp nào.
Việc đánh giá công việc thường xuyên giúp nhân viên nhận định rõ những mục tiêu nào đã đạt được, mục tiêu nào chưa. Khen thưởng, động viên bằng vật chất và tinh thần giúp duy trì thái độ làm việc tích cực, tăng tính cạnh tranh, xây dựng động lực nơi nhân viên. Sáng tạo các hình thức thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra không khí làm việc sôi nổi. Acuity- một công ty dịch vụ tài chính gần 900 nhân viên ở Mỹ đã nghĩ ra cách khen thưởng khác độc đáo. Mỗi năm công ty sẽ lập ra bảng “100 thành tích ấn tượng nhất năm” cho phép mọi phòng ban trong công ty đề xuất, đánh giá, bỏ phiếu và chọn ra những thành tựu ấn tượng nhất mà đội ngũ nhân viên công ty đã đạt được trong quá trình làm việc. Bảng thành tích được phát hành dưới dạng sách và phát miễn phí tận tay là cách mà công ty công nhận thành quả lao động của nhân viên.

3. Cho phép nhân viên dành thời gian theo đuổi các dự án mà họ đam mê
Những dự án cá nhân mang lại luồng sinh khí mới, thúc đẩy tính sáng tạo và đem đến cho nhân viên cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ ngoài những công việc hàng ngày. Atlassian, một công ty phát triển phần mềm ở Úc dành hẳn một ngày trong tháng (từ 2 giờ chiều thứ 5 đến 4 giờ chiều thứ 6) để khuyến khích sự sáng tạo của nhân viên. Trong khoảng thời gian này, nhân viên công ty có thể gác lại các công việc hàng ngày, bắt tay vào việc phát triển các ý tưởng, các dự án tùy theo sở thích cá nhân nhưng phải liên quan tới việc cải thiện sản phẩm, qui trình làm việc, dịch vụ của công ty. Một buổi thuyết trình ngay sau đó, những nhân viên tham gia chương trình sẽ có một buổi thuyết trình báo cáo kết quả với toàn thể công ty. Từ hoạt động này, Atlassian đã có thêm nhiều dự án hay, đa dạng hóa các sản phẩm phần mềm và tối ưu hóa qui trình làm việc.

4. Tăng cường làm việc nhóm
Tăng cường các hoạt động theo nhóm sẽ tạo nên sự gắn bó, tinh thần hợp tác, chia sẻ giữa các nhân viên trong công ty. Công ty kế toán Ehrhardt Keefe Steiner & Hottman chia nhân viên theo các nhóm nhất định theo khu vực làm việc. Trong các buổi sinh hoạt dã ngoại, thể thao của công ty, mỗi nhóm sẽ thi đấu như từng đội riêng biệt, có tên riêng, đồng phục riêng khẩu hiệu riêng, thậm chí là biểu tượng riêng.

5. Làm hết sức, chơi hết mình
FatWallet, một công ty thanh toán trực tuyến ở Mỹ dành hẳn một ngày mỗi tháng để nhân viên tham gia “ Ngày hội trò chơi” với nhiều môn thể thao trong nhà. Nhân viên có thể tự do đề xuất các môn thể thao hoặc ình muốn tham gia. Phần thưởng cho người thắng cuộc là vé xem các trận đấu thể thao, vé đi chơi công viên giải trí cùng gia đình, bạn bè.

6. Huấn luyện nhân viên suy nghĩ tích cực
Tại cao điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, hầu hết nhân viên của công ty 4lmprint- một công ty in ấn đều bị stress nghiêm trọng, tinh thần xuống dốc. Ban lãnh đạo công ty đã tổ chức các lớp học nhằm lấy lại tinh thần làm việc cho toàn bộ 419 nhân viên. Nhân viên tham gia lớp học sẽ được xem các phim tài liêu và thảo luận về những tấm gương vượt khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống như Lance Amstrong.

7. Tổ chức các hoạt động vì cộng đồng
Một cách khác để “lên dây cót” cho tinh thần của đội ngũ nhân viên là tổ chức những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Những hoạt động này, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa đem tới những cảm xúc tích cực cho nhân viên. Công ty có thể tự tổ chức các hoạt động tình nguyện hoặc khuyến khích nhân viên thường xuyên tham gia các đội nhóm tình nguyện bên ngoài.




Có người từng nói, trước một công việc, chỉ cần có lòng lạc quan là bạn đã thành công 50%. Chính vì vậy, những nhà lãnh tài ba bên cạnh tính quyết đoán, bản lĩnh... còn có tinh thần lạc quan. Họ thường truyền cảm hứng và khích lệ người khác tự nguyện làm theo mình.

Sự tự nguyện đó một phần là do những mục tiêu tích cực và cách tiếp cận kiểu “có thể làm được” của nhà lãnh đạo. Sự lạc quan vững chắc không có nghĩa là các mục tiêu đề ra thiếu cân nhắc. Những nhà lãnh đạo giỏi xem xét nghiêm túc triển vọng trong mọi vấn đề. Họ cũng biết rằng sự lạc quan mang lại nhiều lợi ích .

Mở ra cơ hội

Trong một bài báo trên tạp chí Tâm lý học ngày nay, tác giả Chistopher Pererson và Fiona Lee đưa ra một phân tích về các bài diễn thuyết chính trị. Họ nhận thấy tỷ lệ ứng cử viên lạc quan hơn trúng cử chiếm tới 80%. Kết quả này đúng cả khi tính đến thời điểm khởi đầu trong các cuộc bỏ phiếu chính trị. Những nhà lãnh đạo tài năng có thể không phải lúc nào cũng đến được cái đích xa nhất, nhưng con mắt lạc quan của họ luôn thấy được thắng lợi trong một số chặng của cuộc hành trình.

Sự lạc quan làm tăng cơ hội thành công. Trong những năm đầu của thập kỷ 80. Lee Iacocca, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chryler đã vực dậy và đưa tập đoàn này trở lại những thành công vang dội. Đúng là ông đã nhận được sự trợ giúp khi khoản cho vay của chính phủ đã giữ cho Cty duy trì hoạt động. Tuy nhiên, Iacocca cũng đã thể hiện sự lạc quan mạnh mẽ khi tin rằng Cty sẽ vượt qua khó khăn. Winston Churchil, trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh thế giới 2, vẫn khẳng định với tất cả mọi người rằng nước Anh sẽ chiến thắng. Trong cuốn sách Leading the Revolution (Dẫn dắt cuộc cách mạng), Gary Hamel đã vạch ra các quy luật để tái lập một Cty. Việc thiết lập các mục tiêu hợp lý giữ vị trí quan trọng nhất trong những điều cần làm. Điều đó cũng có ý nghĩa là hãy hành động với niềm lạc quan, hãy tin rằng những khát vọng có thể thành hiện thực.

Hãy quyết định tiếp cận mọi hoạt động với tinh thần “sẽ thành công”. Hãy cân nhắc những sự lựa chọn khác. Lúc khởi đầu, nếu anh đã có ý nghĩ “Tôi không thể làm được điều đó” thì anh sẽ chẳng tạo ra được giá trị nào hết.

Phương thức "khích lệ"

Hãy đặt mục tiêu rằng sự lạc quan của anh là không thể lay chuyển được. Cách tiếp cận này có thể được nhiều người ủng hộ, đặc biệt khi những thử thách trong việc lãnh đạo ngày càng trở nên gay gắt hơn. Hãy thường xuyên thể hiện cách tiếp cận “sẽ thành công” đối với mọi người. Đôi khi, mọi người chỉ cần nghe anh nói rằng họ có thể chiến thắng thì sự khích lệ đó sẽ giúp họ chiến thắng thực sự. Anh luôn có thể khơi dậy sự lạc quan bằng cách nói với họ: “Tôi biết là chúng ta sẽ làm hết sức mình”.

Tránh xa những tiêu cực, hoài nghi, do dự và dễ cáu giận. Đôi lúc, cũng cần phải nỗ lực hết sức để không bị chết chìm. Nếu xung quanh anh toàn những điều tiêu cực thì sẽ chẳng thể giữ được mãi sự lạc quan. Hãy loại bỏ mọi nguồn tin mang tính tiêu cực. Hãy tránh xa những người thường xuyên kêu ca phàn nàn. Hãy đón nhận những tin tích cực để luôn có suy nghĩ tích cực.

Khi gặp thất bại, hãy giải thích rằng điều đó chỉ là trường hợp cá biệt, ngoài mong đợi và không kéo dài. Chẳng hạn, khi mọi người đã nản lòng, anh có thể nói: “Điều này rất hiếm khi xảy ra” chứ đừng nói: “Chúng ta sẽ thường xuyên gặp phải khó khăn này”. Hãy coi sự thất bại như một “trường hợp cá biệt” chứ không phải “trường hợp phổ biến”. Hãy nói: “Việc đó chỉ ảnh hưởng đến chúng ta trong một phạm vi nhỏ” chứ đừng nói: “Việc đó sẽ làm hỏng mọi việc khác”. Giải thích nguyên nhân vấn đề là do ngoại cảnh, dựa trên những nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát chứ đừng nên đổ lỗi cho yếu tố nội tại và thiếu năng lực cá nhân. Hãy nhận xét “xu hướng thị trường đang thay đổi” thay vì “chúng ta đã xử lý rất kém trước tình huống này”. Nghiên cứu của Peterson và Lee đã được nhắc đến ở phần trước đưa những biện pháp này như những phương thức chủ yếu để khơi dậy sự lạc quan.



Warren Bennis, một chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo công ty đã từng nói rằng: “Quản lý là một cuộc thử nghiệm gắt gao trong cuộc đời mỗi cá nhân, và điều đó sẽ mài giũa họ trở thành các nhà lãnh đạo”. Vậy để thành công trong cuộc thử nghiệm này, nhà quản lý cần chuẩn bị cho mình những gì?

Công việc quản lý thật nhiều thú vị, đồng thời cũng là một quá trình khó khăn gian khổ. Mọi người thường hay nhắc đến thuật ngữ “nhà quản lý bẩm sinh” khi nói về thành công của một số nhà quản lý. Sự thật không hẳn như vậy. Nhà quản lý giỏi có thể là bất cứ ai, ở bất cứ đâu khi anh ta hội đủ các phẩm chất cần thiết.

Chỉ nhìn vào những nhà quản lý thành đạt tại các công ty, chúng ta có thể thấy được những phẩm chất của họ khác biệt thật là xa so với những trưởng phòng hay giám sát viên đơn thuần. Một cuộc nghiên cứu của tạp chí Nihon Keizai, Nhật Bản, đã đúc kết được 6 phẩm chất có quan trọng nhất ở tất cả các nhà quản lý thành công:

1. Phẩm chất của một vị tướng giỏi

Khi xông pha trận mạc, một người cầm quân “trăm trận trăm thắng” phải là người biết điều binh khiển tướng, thông tuệ binh sách, mưu lược... Nhà quản lý cũng cần phẩm chất như vậy với sự hiểu biết cặn kẽ về một loại hình hoạt động đặc biệt nào đó, nhất là loại hình hoạt động có liên quan đến các phương pháp, các chu trình, các thủ tục hay các kỹ thuật trong công ty.


Trong số các phẩm chất của một nhà quản lý, phẩm chất kỹ thuật là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất, và trong thời đại chuyên môn hoá ngày nay, phẩm chất này càng được chú trọng. Hầu hết các chương trình đào tạo quản lý chủ yếu hướng đến việc phát triển kỹ thuật chuyên môn quản lý.

Một vị tướng giỏi còn là một người biết đưa ra những quyết định chuẩn xác nhất trong thời gian ngắn nhất. Trong quản lý kinh doanh hiện đại, người ta không xây dựng chiến lược như trước đây, bởi các chiến lược tốt nhất cũng sẽ trở nên không còn phù hợp nếu việc xác định mất quá nhiều thời gian.

Nhưng làm sao để có được cách lựa chọn nhanh nhạy và thực sự tranh thủ được thời gian? Điều này tuỳ thuộc vào khả năng của các nhà quản lý có thể ra quyết định chớp nhoáng như một vị tướng quân sự tài ba hay không.

Các vị tướng thường dựa vào những cố vấn quân sự của mình, còn các nhà quản lý cũng phải dựa vào những chuyên viên tư vấn để ra quyết định. Đa số các nhà quản lý ra quyết định nhanh nhạy thường lấy ý kiến ở hai cấp độ- một là, của tất cả các cộng sự, hai là, của các nhà tư vấn có kinh nghiệm nhất.

 Trong khi đó, những nhà quản lý quyết định chậm thường không giao cho ai giữ vai trò tư vấn. Họ ít có các quan hệ gần gũi và nghe ý kiến của người khác. Hoặc giả họ có tranh thủ ý kiến thì chỉ là tình cờ. Ở đây, chính các nhà tư vấn mới là người đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Họ không chỉ đóng góp năng lực từng trải của mình, mà còn phát huy các quan hệ cộng tác gần gũi, tăng thêm sự tự tin của người ra quyết định.

Trước những tình hình chưa rõ ràng và chắc chắn, sự bàn bạc với những chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm sẽ giúp cho các nhà quản lý có thêm lòng can đảm và tự tin trong việc đưa ra những quyết định chuẩn xác.

2. Phẩm chất của một người chủ gia đình mẫu mực

Gần đây, người ta hay nói nhiều đến văn hoá công ty và muốn biết ai là người tạo dựng nên nó. Câu trả lời là tất cả các thành viên trong công ty. Nhưng ai là người khơi dậy, nuôi dưỡng và định hướng, phát huy văn hóa đó để tạo thành một bản sắc riêng của công ty? Câu trả lời là nhà quản lý trên cương vị một người “chủ gia đình” mẫu mực.

Trong gia đình, vai trò của người cha là hết sức quan trọng, một người cha mẫu mực không chỉ là khuôn hình mẫu, là người thầy, là trọng tài mà còn cao hơn còn phải biết là người bạn gần gũi, cởi mở cảm thông và biết chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình, theo đúng nghĩa một người bạn.

Làm được như vậy, gia đình- công ty sẽ là một thể hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với nhau, mọi thành viên đều có cơ hội bày tỏ chính mình, cơ hội để phát huy sự sáng tạo cá nhân của mình đóng góp cho cái chung. Rustomiji, một doanh nhân lớn của Nhật Bản đã nói “Đây là hãng của tôi. Đây là nhà máy của tôi. Đây là nơi nuôi sống tôi. Bạn sẽ giống người trúng xổ số độc đắc nếu những người lao động của bạn có ý thức giống như câu nói trên”.

Về mặt tâm lý, nhân viên trong công ty chỉ tuân phục nếu được người quản lý tôn trọng danh dự và bảo đảm quyền lợi cho họ, vì thế, nhà quản lý phải tránh bớt các mệnh lệnh độc tài, nên mềm mỏng mà kiên quyết. Đó chính là phẩm chất của người chủ gia đình mẫu mực.

Nếu phẩm chất “vị tướng giỏi” trước hết đề cập đến chuyện làm việc với các khái niệm, các chu trình hay đối tượng vật chất, thì phẩm chất “người chủ gia đình” đề cập đến khía cạnh con người. Nhà quản lý có phẩm chất “người chủ gia đình” là người có đủ nhạy cảm đối với những nhu cầu và động cơ của các nhân viên trong công ty đến mức có thể dự đoán và đánh giá được những phản ứng từ phía các nhân viên cùng những hậu quả từ cách hành động mà nhà quản lý đã, đang hay sẽ thực thi. Như vậy, nhà quản lý luôn tính đến nhận thức và thái độ của những người khác.

3. Phẩm chất của một thuyền trưởng bản lĩnh

Đại dương mênh mông luôn ẩn chứa trong đó bao mối nguy hiểm. Kinh doanh trên thương trường cũng vậy và công ty luôn phải đối phó với sự cạnh tranh khắc nghiệt từ mọi phía. Nhà quản lý ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị còn rất đến bản lĩnh của một thuyền trưởng kinh nghiệm biết chèo lái con thuyền công ty đi đúng luồng lạch, vượt qua khó khăn để cập bến an toàn. Khi đó, nhà quản lý không chỉ là người chỉ huy, lãnh đạo mà còn là chỗ dựa, là nơi gửi gắm niềm tin của thuỷ thủ đoàn trên con thuyền công ty.

Phẩm chất “thuyền trưởng bản lĩnh” bao gồm khả năng bao quát tình hình công ty như một thể thống nhất, bao gồm việc đánh giá tầm quan trọng của các bộ phận, mức độ phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau trong trường hợp xảy ra sự thay đổi trong một bộ phận bất kỳ.

Phẩm chất này cũng mở rộng đến mối quan hệ giữa công ty với toàn lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, từ đó nhà quản lý có thể phát hiện nhanh chóng những diễn biến bất thường của môi trường ngoại cảnh để kịp thời đối phó và điều chỉnh hành động theo hướng có lợi nhất cho công ty. Vì thế sự thành công của bất cứ quyết định nào đều phụ thuộc vào kỹ năng nhận thức và chèo lái của nhà quản lý, chưa kể toàn bộ các quyết định mang bản sắc của công ty cũng phụ thuộc vào phẩm chất này.

Từ lâu nay, các thuyền trưởng luôn được xem như những con người lịch thiệp. Với nhà quản lý cũng vậy, sự lịch thiệp sẽ góp phần nâng cao lòng kính trọng của các nhân viên đối với cấp trên của mình. Những mệnh lệnh được đưa ra trong công ty dưới dạng lịch thiệp, thường dẫn đến kết quả tốt hơn là mệnh lệnh không tôn trọng người khác.

 Các nhà quản lý nên tạo ra cho mình thói quen bắt đầu trước trong giao tiếp, tỏ ra thân ái, niềm nở và nhìn mọi người bằng con mắt thân thiện.

4. Phẩm chất của một vận động viên tự tin và giàu nghị lực

Đó chính là ý chí và có khát vọng vươn lên. Lúc Donald Trump, nhà tỷ phú bất động sản còn trai trẻ, ông đã khóc trước tượng của Alexandre đặt trong đền Heraile ở Gades, vì thấy mình không được lừng danh như Alexandre. Thật ra không cần phải như vậy. Nhà quản lý không nên háo danh, nhưng phải mang trong mình khát vọng vươn lên.

Phẩm chất vận động viên của nhà quản lý còn thể hiện ở niềm tin vào khả năng, dũng cảm, có chí hướng và biết thể hiện phẩm chất với các nhân viên dưới quyền.

Trong công ty, nhà quản lý thành công là người luôn đi thẳng, ngẩng cao đầu, bước chững chạc tạo thói quen tự tin. Niềm tin vào bản thân là phẩm chất rất cần thiết đối với người nhà quản lý.

Niềm tin mạnh mẽ, dũng cảm luôn đi liền với khái niệm bình tĩnh của nhà quản lý. Họ luôn tự chủ được thần kinh của mình và duy trì sự bình tĩnh khi phải đối mặt với nhiều thách thức trong các cuộc thi đấu đầy gian khó.

5. Phẩm chất của một huấn luyện viên có năng lực

Vấn đề phổ biến nhất ở các công ty là nhân viên không làm việc hiệu quả như ý của nhà quản lý, đặc biệt là những nhân viên giỏi về mặt chuyên môn nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp. Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý cần thể hiện phẩm chất của một huấn luyện viên biết cách dàn xếp, giải quyết sao cho có thể phát huy hết năng lực của các tuyển thủ mà mình huấn luyện. Nhà quản lý hãy kiên nhẫn và sắp xếp cuộc họp với những nhân viên đó. Hãy đảm bảo rằng vào cuối buổi bàn thảo, nhân viên sẽ biết chắc là có tồn tại vấn đề khúc mắc, đồng thời hiểu được cần làm gì để giải quyết vấn đề.

Sẽ tốt hơn cả nếu đưa người đó vào một cuộc nói chuyện như trong một cuộc phỏng vấn. Một câu hỏi mở đơn giản như: “Bạn thấy việc tiếp xúc với những người khác trong công việc của bạn như thế nào?” có thể đem lại câu trả lời cụ thể và xác định giúp nhân viên nhận thức được vấn đề tồn tại. Mọi người thường dễ chấp nhận hơn nếu như nhà quản lý thấu hiểu những khó khăn của họ. Ví dụ như, nếu nhà quản lý nói: “Tôi biết là rất khó để có thể quản lý con người, chắc chắn là tôi cũng mắc rất nhiều lỗi khi tôi mới bắt đầu”, thì sẽ dễ dàng hơn nhiều cho người khác khi thừa nhận điểm yếu của họ.

6. Phẩm chất của một nhà lãnh đạo thực thụ

Gari Selfridje, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực quản lý, đã từng nói, nhà quản lý phải “lãnh đạo” chứ không chỉ đơn thuần làm công việc điều hành, nghĩa là nhà quản lý cần giữ vai trò hướng dẫn, lựa chọn mục tiêu, xác lập tầm nhìn, dẫn dắt và tạo động lực cho công ty phát triển.

Một nhà lãnh đạo thực thụ không bao giờ sợ những lời phê bình. Nhà quản lý cũng vậy, nếu sợ phê bình thì không phải là nhà quản lý nữa. Trong nghệ thuật quản lỹ cũng như nghệ thuật lãnh đạo, phê bình là rất cần thiết nhưng phê bình cần mang tính xây dựng nhằm sửa chữa khuyết điểm bằng hành động.

Từ chỗ biết phê bình một cách hợp lý, nhà quản lý cần biết thưởng phạt công mình. Nếu biết nhân viên nào đó xứng đáng được khen thì hãy khen anh ta dù chỉ một chút thôi. Còn việc phạt phải mang tính xây dựng, không nên mắng mỏ khi cảnh cáo người dưới quyền.

 Cảnh cáo nên bắt đầu từ khen ngợi, sau đó cho họ biết khuyết điểm của họ, nhưng việc này chỉ nên thực hiện sao cho các nhân viên khác không biết được.

 Cảnh cáo trước đông đảo nhân viên trong công ty được coi là mức phạt cao nhất, chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt khi các biện pháp khác không mang lại hiệu quả.

Sau cùng, với phẩm chất của một nhà lãnh đạo thực thụ, nhà quản lý bao giờ cũng phải có uy quyền, có nghệ thuật dẫn dụ, có lý luận sắc bén và …nghệ thuật thôi miên. Dẫn dụ là dựa vào tình cảm làm cho cấp dưới ham lợi ích phải nghe theo mình, còn lý luận là đem lý lẽ và chính kiến khiến các nhân viên nể phục những lý lẽ đó rồi làm theo. Còn thôi miên lôi kéo người khác thực hiện theo ảnh hưởng của người thôi miên. Uy quyền là một ma lực bắt người khác tuân phục. Mỗi nhà quản lý đều có thể có uy quyền. Một trong những yếu tố cấu thành uy quyền của người quản lý là lòng thán phục của cấp dưới.

Có thể nói, 6 phẩm chất trên có mối liên quan mật thiết với nhau đến mức khó mà xác định được đâu là ranh giới rõ ràng.

Tầm quan trọng tương đối của từng phầm chất thay đổi tuỳ theo những cấp trách nhiệm khác nhau. Tại các cấp thấp hơn, phẩm chất “vị tướng giỏi” là yếu tố tạo ra nhiều điểm ưu việt trong các công việc thiên về chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, khi nhà quản lý tiến dần lên ngày càng cao hơn yêu cầu về phẩm chất này trở nên ít quan trọng hơn, mà thay thế vào đó là phẩm chất người chủ gia đình hay phẩm chất nhà lãnh đạo…

Phương pháp quản lý theo 6 phẩm chất này nhấn mạnh rằng, những nhà quản lý giỏi có thể được phát triển và mài giũa mà thành. Nhận thức rõ ràng về những phẩm chất này và về những phương pháp đo lường trình độ của các nhà quản lý sẽ là công cụ hiệu quả để các nhà lãnh đạo cấp cao chọn lựa, đào tạo và đề bạt các cán bộ quản lý ở tất cả các cấp trong công ty.



Cách lập kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy là một cách tiếp cận mới giúp người có ý tưởng và dự định kinh doanh nắm bắt và ghi rõ được những yếu tố cơ bản của bất kỳ một công việc nào, một dự án nào chỉ với một trang giấy. Cách lập kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy hữu dụng vì chỉ với những từ ngữ ngắn gọn trên một trang giấy, bạn đã có được một bản kế hoạch kinh doanh được chú giải cặn kẽ, đầy đủ ý nghĩa, dễ hiểu. Một điều nữa khiến bạn nên tìm hiểu cách lập kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy vì bạn có thể dễ dàng lập kế hoạch kinh doanh và có đầy đủ những yếu tố để bắt đầu kinh doanh ngay khi bạn có một ý tưởng. Ai cũng có thể lập một kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy, và khi đã có bản kế hoạch, bạn có thể dễ dàng chia sẻ với đồng nghiệp, với người hợp tác một cách dễ dàng và nhanh chóng. Vậy bạn còn chờ gì nữa, bật word ra và hiện thực ý tưởng của mình đi nào!

Kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy được tạo nên từ 5 thành phần: tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược và kế hoạch hành động. Có đầy đủ các thành phần này trên một trang giấy. Đó là kế hoạch kinh doanh đấy. Không hề có định nghĩa rõ ràng cho các thuật ngữ trên. Chúng ta hãy đưa các định nghĩa đi qua một bên và bước vào thiết lập những yếu tố đó luôn nhé.


1.Tầm nhìn trong kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy:

Mọi người đều xây dựng một cái gì đó: một doanh nghiệp, một công ty, một phòng ban hay là một cửa hàng buôn bán. Để biết được tầm nhìn là gì trong kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy bạn hãy trả lời câu hỏi sau: bạn đang xây dựng điều gì? Rõ ràng hơn chút nữa là bạn lần lượt trả lời những câu hỏi:
  • Công việc bạn muốn lên kế hoạch ở dạng nào?
  • Nó phục vụ cho thị trường nào?
  • Phạm vi địa lý thế nào?
  • Đươc đặt ở đâu?
  • Thu nhập bao nhiêu?
  • Nhân viên gồm những ai?
Hãy trả lời những câu hỏi trên bằng văn bản và đặt vào phần đầu của bản kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy với tiêu đề là tầm nhìn.

2.Sứ mệnh trong kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy:

Tất cả đều có lý do để tồn tại. Công ty bạn tồn tại với lý do gì, nguyên nhân gì. Sứ mệnh của công việc được xác định khi bạn trả lời được câu hỏi: Tại sao công việc này tồn tại? Cụ thể hơn nữa là giải đáp các câu hỏi sau:
  • Bạn cam kết cung cấp cho khách hàng cái gì?
  • Bạn hứa hẹn làm điều gì cho khách hàng?
  • Dịch vụ, sản phẩm của bạn hứa hẹn giải quyết được những vấn đề, nhu cầu, ước muốn, nỗi đau nào cho khách hàng?
Đặt những câu trả lời này vào phần tiếp theo của kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy với tiêu đề sứ mệnh.

3.Mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy:

Mục tiêu là báo cáo ngắn gọn, xác định những kết quả cuối cùng trong nỗ lực của bạn. Để xác định mục tiêu hãy trả lời câu hỏi: Bạn đánh giá cái gì? Bạn muốn đạt được điều gì? Mục tiêu của bạn phải cụ thể, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Tốt nhất là bạn thể hiện mục tiêu của mình thành biểu đồ. Mục tiêu cũng nên chứa một giá trị số xác định và mốc thời gian rõ ràng. Một ví dụ: “Tăng 20% lợi nhuận vào cuối tháng 12 năm 2012″.

Đặt mục tiêu của bạn vào sau phần sứ mệnh trong bản kế hoạch.


4.Chiến lược trong kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy:

Bạn muốn thành công! Nhưng sự thành công rất hiếm khi đến với bạn một cách ngẫu nhiên. Bạn phải nỗ lực, cố gắng để chạm tay tới thành công. Đây không phải là một con đường bằng phẳng trải đầy hoa hồng và thảm đỏ mà là kết quả của một quá trình thực hiện kỹ những hành động được vạch từ trước. Bạn muốn biết chiến lược kinh doanh của mình gồm những gì ư? Hãy trả lời thật đầy đủ câu hỏi: công việc kinh doanh của bạn sẽ được xây dựng như thế nào? Bạn hãy trả lời câu hỏi này bằng những hành động theo thứ tự sẽ thực hiện để đạt đến mục tiêu.

Đặt chiến lược của bạn sau phần mục tiêu trong bản kế hoạch. Vậy là bạn đã làm được 4/5 bản kế hoạch kinh doanh rồi đấy.

5. Kế hoạch hành động trong kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy:

Đây là phần bạn cần chỉ rõ công việc thực tế cần làm. Những công việc này cần có thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc một cách rõ ràng. Hãy nhớ công thức:

mô tả hành động + thời gian hoàn thành = kế hoạch

Điều cần nhấn mạnh ở đây là kế hoạch hành động không chỉ mô tả nhiệm vụ công việc. Kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy cũng không cần liệt kê tất cả các công việc. Mức tốt nhất là khoảng 9 công việc cho mỗi kế hoạch. Hãy đặt kế hoạch hành động vào cuối bản kế hoạch của bạn.

Chỉ 5 bước là bạn đã có một bản kế hoạch kinh doanh, trông có vẻ thật đơn giản phải không. Chúc bạn thật thành công với những ý tưởng kinh doanh nhé.




Bạn có bao giờ để bản thân mình trôi theo những gì đang diễn ra mà không quan tâm đến mình là ai, mình phải như thế nào để người khác coi trọng chưa? Vốn dĩ mỗi người sinh ra đều có một tinh thần tự tôn vốn có và những sở thích có thể không giống ai! Từ những gì khác biệt chúng ta ý thức được mình là ai, mình đang ở vị trí nào! Quản lý bản thân và tinh thần tự tôn là một kỹ năng mềm dành cho giới trẻ ngày nay đang rất được coi trọng! 

Sinh ra chúng ta ai cũng có những bước khởi đầu giống nhau nhưng chúng ta khác nhau ở chỗ khi lớn lên chúng ta là người như thế nào? Thành công hay thất bại, cao thượng hay tầm thường! Đó đều là dó chính chúng ta quyết định! Bạn quản lý được bản thân của bạn hay không? Bạn có biến bản thân mình từ con số 0 tròn trình thành hình mẫu cho người khác noi theo? Bạn có làm được những việc mà bạn muốn hay sa đà vào những chốn ăn chơi, hoan lạc và ngập chìm trong bong bóng cuộc đời! Quản lý bản thân không dành riêng cho một người nào mà dành cho tất cả mọi người, mỗi người phải quản lý được mình, phải biết hướng bản thân đến những điều tốt đẹp và tránh xa những cám dỗ cuộc đời có như vậy bạn mới trở thành một người chín chắn và mẫu mực được!

Việc bạn muốn trở thành người như thế nào bạn hoàn toàn có thể làm chủ việc quan trọng là bạn có làm được hay không mà thôi! Bạn có thể buông xuôi cuộc sống cho dòng chảy cuộc đời, ra sao thì ra bạn không quan tâm cũng không muốn biết! Đừng hỏi vì sao bạn lại trở thành những người khiến xã hội phải lên án và phê bình. Đó chính là do cách bạn quản lý chính bản thân mình! Bạn quản lý bản thân tốt bạn sẽ làm được điều bạn hướng đến! Ngược lại bạn sẽ làm cho mình trở nên xấu xa nếu để mặc cho dòng đời tự quyết định cuộc đời bạn! 

Bạn có lòng tự tôn hay không? Ở đây bao gồm cả tự tôn cá nhân và tự tôn dân tộc nhé! Bạn làm gì khi người khác xúc phạm và nhận định sai lầm về bạn! Trước hết đừng vội giận giữu và hãy tìm cách chứng minh cho người khác thấy những gì người đó nói ra là hoàn toàn bịa đặt! Bạn không chỉ bảo vệ chính mình trước người khác mà còn phải bảo vệ hình ảnh dân tộc trước những người thiếu thiện chí! Đừng bao giờ đánh mất lòng tự tôn của mình, có nó bạn sẽ biết phải làm gì để sống đúng mà không hòa tan mình vào cuộc sống vốn đấy rấy những điều thị phi! Chúng ta giương cao ngọn cờ tự tôn dân tộc để không bị hòa lẫn vào thế giới! Ngày nay khi văn hóa phát triển và đan xen lẫn nhau có những thứ chúng ta không được hòa tan vào đó mà phải giữu như là tài sản vô giá của dân tộc mình! Kể cả chính bản thân bạn cũng vậy! 

Giờ thì bạn đã biết vì sao mỗi người chúng ta cần phải học tập kỹ năng quản lý bản thân và tinh thần tự tôn rồi chứ! Đừng quên rằng, cuộc sống cần sự phát triển nhưng chúng ta hãy học hỏi những điều tốt đẹp và đừng bao giờ để mình bị bão hòa vào thế giới rộng lớn đó nhé! Hãy chính là bạn cho dù ở hoàn cảnh nào!



Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được thành công như mong đợi. có những cố gắng, nỗ lực tưởng chừng được đền đáp xứng đáng nhưng cuối cùng đó lại là thất bại thảm thương và bạn chỉ biết thở dài đầy ngao ngán.

Bạn có biết rằng “thất bại không phải là vấp ngã mà là... cứ nằm lỳ sau khi ngã” ?

Có người từng rất sợ đối mặt với thất bại, bởi trong mắt người khác họ là người đầy triển vọng, tiềm năng. Họ không dám đối mặt với những khó khăn lớn lao bởi họ sợ mình sẽ thất bại –  và khi đó, hình ảnh lung linh của họ sẽ không còn. Nuôi dưỡng hình ảnh thủy tinh rực rỡ, chói sáng bạn nghĩ mình mình hoàn hảo ư? Bạn có biết rằng, thủy tinh không chịu được những cú va đập mạnh, và vì thế nó mãi mãi chỉ là vật trang trí mà thôi.

Bạn có sợ thất bại không?

Bất kỳ ai trong chúng ta đều sợ khi gặp thất bại, có người học được cách chấp nhận để đi qua nó một cách dễ dàng. Có người lại gục ngã bởi chính những thất bại do mình gây nên.  Người xưa nói rằng: nhân trách do kỷ: khi gặp bất cứ chuyện gì không may xảy đến với chúng ta, ngoại trừ tai nạn bất ngờ, còn những việc khác đều do mình gây nên. Vì vậy, khi thất bại hãy trách bản thân mình, nhưng đừng dằn vặt bởi  bạn cần thoát ra khỏi ám ảnh tội lỗi để rút ra những bài học riêng cho mình. 

Nếu sợ thất bại, bạn đừng bao giờ bắt tay vào làm một việc gì đó. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không sớm thì muộn bạn sẽ gây ra sai lầm và thất bại là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, khi đã quyết tâm làm một việc gì đó, hãy chấp nhận thất bại, chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên để không quá đặt nặng kết quả cuối cùng. Như việc thi đại học: ai cũng sợ thi rớt. Thế nhưng nếu bạn đi thi với tâm thế cố gắng hết sức mình và mang tâm lý sẵn sàng đón nhận kết quả xấu nhất thì cảm giác sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bạn sẽ làm bài tốt, và nếu bạn không đậu được ngôi trường đại học như mình mơ ước, đó là do năng lực của bạn chưa đủ. Bạn sẽ thanh thản nhẹ nhàng chọn con đường khác cho mình. Như thế bạn mới thoát khỏi áp lực thành công. Khi đó, bạn sẽ làm tất cả để không hối hận, dù nó có thất bại đi chăng nữa. Quan trọng không phải là thành quả cuối cùng mà bạn đã làm gì để có được thành quả đó.

Khi thất bại bạn sẽ làm gì?

Khi thất bại, mỗi chúng ta sẽ có cách đối diện khác nhau và vì thế chúng ta cũng vượt qua thất bại theo cách riêng của mình. Nhưng dù bạn có sử dụng cách nào đi chăng nữa, đừng bao giờ đổ trách nhiệm lên cho người khác. Nếu không dám đối diện với những điều mình đã làm thì bạn chẳng bao giờ rút được những bài học giá trị cho bản thân. Và vì thế, thất bại nối tiếp thất bại mà thôi.

Hãy biết nhìn vào thực tế và gánh lấy trách nhiệm do mình gây nên, từ đó học cách khắc phục nó trong những lần sau. Bạn sẽ vượt qua thất bại một cách nhanh chóng khi bạn biết nhìn nhận lỗi lầm của chính mình và dũng cảm khắc phục hậu quả, làm lại từ đầu.  Đừng quy trách nhiệm cho những người không liên quan, bạn nhé.

Học cách đi qua thất bại

Sau thất bại là một bước trưởng thành dài vì thế bạn cần bước qua nó, để đi tiếp con đường bạn phải đi. Đừng quỵ ngã, cũng đừng đổ vỡ niềm tin vào chính mình. Bất kỳ ai cũng co lúc gặp thất bại, bởi không phải cứ nỗ lực là đạt được thành công. Ngoài những yếu tố cần như kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, thời cơ thì còn cần đến một chút may mắn để có được thành công như mong đợi. Đôi khi chúng ta đã tính toán kỹ càng những kế hoạch của mình và chắc mẩm là 99% là sẽ thành công, song cuối cùng lại đổ vỡ một cách thảm hại! 1% không phải là nhiều song đôi khi nó lại quyết định kết quả cuối cùng. Trên thế giới có rất nhiều thất bại theo kiểu này, và điều cốt lõi quyết định sự thành công sau đó chính là những gì họ đã làm 99% ở kế hoạch ban đầu và nỗ lực bước tiếp trên con đường mà họ đã chọn. 

Thất bại là điều không ai muốn, nhưng dù cố tránh mà không tránh được thì bạn hãy chấp nhận nó.  Mỉm cười xem đó là học phí để bước vào đời một cách vững vàng hơn, lạc quan hơn. Bởi thất bại sẽ dạy ta được rất nhiều điều mà khi thành công chưa chắc chúng ta đã học được. Hãy xem đó là cơ hội để bạn học hỏi thêm kinh nghiệm cho cuộc sống của mình, đừng để thất bại đó ám ảnh bạn, khiến bạn nhụt chí và sẵn sàng từ bỏ mọi thứ.

Hãy mạnh mẽ lên, bạn sẽ làm nên thành công  từ những thất bại của chính mình!


Xem thêm>>

Xem thêm>>

Đóng liên hệ [x]
hotline0906 18 40 60
-->